Non nước Việt Nam

Kon Tum: Mặn mà với nghề đan lát

Cập nhật: 10/09/2021 05:16:10
Số lần đọc: 1167
Mồ côi từ nhỏ, chính nghề đan lát là “phao cứu sinh” của ông A Up, làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Cũng bởi thế, dù nhịp sống thay đổi, không mấy ai mặn mà với cây tre, sợi lạt, già A Up vẫn một mực giữ nghề.  


Vắng bóng khách du lịch, làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà yên ắng hơn. Dẫu vậy, nhịp sống của người dân nơi đây không mấy thay đổi.

Cũng như nhiều người dân trong làng, hàng ngày, già A Up chăm chỉ làm nông, đan lát; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Con dao nhỏ xíu, nhọn hoắt nhưng bén ngọt. Vót từng đường, bào nan rớt xuống đất, từng mành tre đều đẹp, đủ độ mỏng để đan lát. Có đủ mành tre, già A Up xếp rồi đan thoăn thoắt. Hơn 40 năm gắn bó với việc đan lát, già A Up có thể làm được nhiều sản phẩm: nhà rông, gùi, đơm, nia, rổ, rá… “Bây giờ mình thành thạo rồi, chứ hồi đầu mới học cũng khó khăn lắm. Đan lát yêu cầu phải tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó. Ai không kiên trì, khó làm được và khó gắn bó với nghề đan lát được lâu” - già A Up chia sẻ.

Không như những thanh niên khác trong làng có cha, ông hướng dẫn cách đan lát, mồ côi bố mẹ từ nhỏ nên già A Up phải tự mày mò học nghề. “Lúc đó không biết lấy gì ăn, mình phải học các thanh niên trong làng cách đan lát để làm ra cái thúng, cái nia, cái gùi để đổi lấy gạo. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhưng làm mãi thành quen”- già A Up nhớ lại.

Già A Up xem đan lát là niềm vui. Ảnh: HT

Lớn lên, vừa gắn bó với nghề đan lát, già A Up vừa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, không bấp bênh. Già nói, chính cây tre, sợi lạt nuôi già lớn lên nên không bỏ nghề được.

Để có nguyên liệu đan lát, già A Up lội bộ 7-8km vào rừng kiếm tre, mây, nứa chờ lúc nông nhàn mang ra đan rổ, đan nia... Là người dày dặn kinh nghiệm, nắm rõ các kỹ thuật đan, nhưng già cũng mất 2-3 ngày mới có thể hoàn thành một sản phẩm; có sản phẩm phải mất hơn cả tuần. Các sản phẩm được già chọn tre đan tỉ mỉ, “thả hồn” và công sức vào nhiều nên bền, chắc và được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, giá bán mỗi sản phẩm chỉ từ vài chục nghìn đồng đến khoảng hơn 200 nghìn đồng (tùy loại) nên so với công sức bỏ ra, thu nhập không đáng kể.

Quen với thực tế đó nên già A Up không mấy bận tâm. Ngưng tay, già vui mừng kể, không chỉ người trong làng, trong huyện mà cả các huyện khác cũng tìm đến nhà già để đặt thúng, nia, đơm cá. “Ngày trước, có khách du lịch, thi thoảng mình cũng bán được các sản phẩm làm sẵn. Bây giờ, ít khách du lịch, ai đặt thì mình làm. Bình quân mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng, có thêm tiền mua mắm muối”- già A Up chia sẻ.

Nhiều người lo sợ rồi mai đây nghề đan lát sẽ mai một, nhưng già A Up lại có một niềm tin mãnh liệt là nghề sẽ được bảo tồn. Bởi thông qua các thông tin đại chúng, già biết các sản phẩm hàng mộc thân thiện với môi trường, không ô nhiễm môi trường đang được khuyến khích phát triển ở nhiều nơi. Hơn nữa, gắn nghề thủ công truyền thống với du lịch tại làng đang là hướng đi được chính quyền địa phương quan tâm.

Vừa qua, chính già cũng đã truyền dạy cho nhiều người trung niên, thanh niên trong làng phát triển nghề đan lát. “Họ tới hỏi, muốn học cách đan, mình sẵn sàng chỉ thôi. 2 con trai của mình cũng biết đan lát. Mình rất mong nghề này được truyền nối cho thế hệ mai sau” - già A Up hy vọng.

Để ý, tôi thấy các vật dụng thường ngày trong gia đình già A Up như rổ, nia, gùi... đã hoen cũ vì gắn bó với gia đình già vài chục năm tuổi. Cũ nhưng bền, đa số đều còn sử dụng rất tốt. Theo già, thi thoảng, có những cái hư đế, bong vành, già sửa lại và đem vào sử dụng bình thường. Già cũng như dân làng thường sử dụng thủ công truyền thống (gùi) khi lên rẫy, ít khi sử dụng các túi nilong, các sản phẩm bằng nhựa sử dụng 1 lần nhưng gây tác hại môi trường.

Ngày nay, nhiều nơi người dân đã sử dụng các sản phẩm bằng mây, tre để “nói không với rác thải nhựa”. Thực tế, nếu có những chuỗi liên kết, hợp tác xã mây tre làm ra các sản phẩm bằng tre tiện lợi, gọn, dễ sử dụng sẽ góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng.

“Trước mắt, tôi vẫn giữ nghề đan lát vì đam mê và phục vụ khách du lịch sau khi hết dịch Covid-19. Nhưng nếu có chuỗi liên kết trong sản xuất, tôi sẽ tham  gia sản xuất sản phẩm đan lát nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu trong khâu cung ứng sản phẩm” - già A Up nói.

Hoài Tiến

 

Nguồn: Báo Kon Tum

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT