Non nước Việt Nam

Quảng Ninh: Trăn trở giữ nghề làm bánh gật gù

Cập nhật: 10/09/2021 13:27:36
Số lần đọc: 995
Trong những mâm cỗ thết đãi khách quý của người Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) bao giờ cũng có bánh gật gù. Bánh không có nhân, khi ăn chấm nước mắm chưng với mỡ gà khiến thực khách nào cũng phải gật gù thích thú.


Mỗi lần đến huyện Tiên Yên, ngoài đặc sản khâu nhục hay thịt gà, tôi đều được anh Phạm Ngọc Minh (xã Yên Than) mời ăn bánh gật gù. Anh Minh không rõ bánh gật gù có từ khi nào, chỉ biết rằng bánh có tên ngộ nghĩnh là nhờ vẻ ngoài lắc lư độc đáo. Anh Minh cho hay: “Bánh gật gù nhìn bề ngoài khá đơn giản, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là món ăn dễ làm. Tuy nhiên, ở Tiên Yên, bí quyết làm bánh gật gù được lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác”.


Bánh gật gù là món ngon dân dã của người Tiên Yên. Ảnh: Thảo Sún

Theo chỉ dẫn của anh Phạm Ngọc Minh, tôi tìm đến cơ sở làm bánh truyền thống gật gù Cúc Lâm (thị trấn Tiên Yên). Trong không gian bếp nhuốm màu thời gian, bà Đinh Thị Cúc (sinh năm 1960) vừa nhanh tay tráng bánh để kịp giao cho khách, vừa cho biết: “Trong quá trình nghiền bột làm bánh, chúng tôi thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo, mịn. Khi chưa cuộn, bánh gật gù cũng giống bánh cuốn, bánh phở Hà Nội nhưng không có nhân. Sau khi cuộn tròn đều lại, bánh dẻo quẹo, được đặt lên lớp lá chuối để không bị dính vào nhau”.

Cơ sở Cúc Lâm hiện chỉ có vợ chồng bà Đinh Thị Cúc làm bánh gật gù. Thời điểm trước dịch Covid-19, mỗi ngày cơ sở này làm từ 40 đến 50kg gạo bánh, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống. Khi tôi hỏi bà Cúc các con đâu không làm bánh cùng bố mẹ, giọng bà chùng xuống: “Con cái tôi đều lớn cả, không ai theo nghề làm bánh gật gù đâu. Nghề này vất vả phải dậy sớm, suốt ngày lọ mọ trong bếp mà thu nhập cũng không cao nên không mấy ai theo nghề. Muốn làm giàu từ nghề này chỉ có mở rộng sản xuất, thuê nhân công nhưng ngặt nỗi vốn không dài, giới trẻ cũng không mê”.

"Bà sẵn sàng truyền nghề cho người ngoài chứ?", tôi hỏi. "Tất nhiên. Nhiều người không hiểu cứ nghĩ chúng tôi giữ bí quyết riêng, sau này có khuất núi cũng không mang theo được. Tôi sẵn sàng truyền nghề nhưng có ai dám học không?", bà Cúc trả lời, rồi bà cho biết thêm, bánh gật gù nên ăn trong ngày mới ngon, bởi vậy, quá trình vận chuyển bánh đến các địa phương khác gặp nhiều khó khăn. Những ai muốn ăn bánh gật gù thường phải gọi điện đặt trước, bởi cơ sở luôn trong tình trạng "cháy" hàng.

Theo tìm hiểu, huyện Tiên Yên hiện có 3 cơ sở làm bánh gật gù truyền thống gồm: Cúc Lâm, Cường Thía và Phú Gia. Một số cơ sở khác làm bánh gật gù với số lượng lớn, đặt bao nhiêu cũng có nhưng theo người dân địa phương phản ánh thì chất lượng không bằng các cơ sở kể trên. Vấn đề giữ gìn và phát triển nghề làm bánh gật gù truyền thống Tiên Yên vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Dương Thị Hậu, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Yên cho biết: “Thu nhập từ nghề làm bánh gật gù không cao, các cơ sở truyền thống hiện nay chưa đủ đáp ứng sản xuất với số lượng lớn vì thiếu nhân lực và vốn. Trước những khó khăn trên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Yên đã tham mưu cho UBND huyện Tiên Yên về đề án hỗ trợ, phát triển nghề làm bánh gật gù truyền thống. Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt truyền thông, quảng bá để món ăn này được biết đến rộng rãi hơn với người dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh”.

Hoài Phương

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT