Kon Tum: Mênh mông sóng nước Yaly
Vào mùa nước dâng, hồ Ya Ly tạo nên rất nhiều các cù lao thơ mộng.
Xuất phát từ bến nước làng Chờ, xã Ya Ly, chiếc thuyền gỗ gắn máy của anh Võ Đình Sơn hướng đập tràn thủy điện băng băng lướt sóng. Xa bờ một quãng ngắn, chúng tôi thấy mình như trở nên bé nhỏ. Mặc dù trên thuyền trang bị đầy đủ áo phao cứu hộ, nhưng vẫn thoáng cảm giác bồng bềnh giữa bốn bề sóng nước mênh mang.
Ra đến giữa hồ, gió thổi mạnh hơn. Sự điềm tĩnh hiện hữu trên gương mặt rám màu sương gió của “Thuyền trưởng” Sơn, làm mọi người nhanh chóng quên đi cảm giác chơi vơi. Là người thâm niên hơn 10 năm làm nghề đánh bắt cá ở đây, có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện đường thủy, anh Sơn tường tận từng chỗ nông sâu lòng hồ. Thuyền khẽ tăng ga, để lại vệt nước cuồn cuộn phía sau, sóng ì ọp đập vào mạn sủi bọt trắng xóa, gió phả vào người mát rượi, sảng khoái.
Đoàn công tác khảo sát tiềm năng du lịch trên hồ Ya Ly.
Sau gần một giờ theo hướng bờ Tây thủy điện vi vu trên thuyền, chúng tôi ghé bãi nổi thuộc địa phận xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy. Những gốc cây bị sóng mài trơ bộ rễ sần sùi, tạo dáng thế tự nhiên muôn hình độc lạ. Vào mùa nước dâng, nơi đây trở thành ốc đảo thơ mộng. Ngôi nhà sàn hai tầng khá đơn sơ được Ban quản lý thủy điện xây dựng đã lâu, xung quanh cây cối xanh tốt, gió thổi rì rào. Nếu được cải tạo và đầu tư thêm một số dịch vụ như nghỉ dưỡng, ăn uống,…sẽ là điểm đến khá lý tưởng cho những du khách ưa trải nghiệm thiên nhiên.
Dọc theo bờ hồ thủy điện thuộc địa bàn các xã Ya Ly, Ya Tăng có nhiều cồn, bãi toàn sỏi, đá cuội. Vô số những viên sỏi được sóng nước và thời gian mài mòn, tròn trĩnh, lăn lóc nằm chen nhau. Bước chân trần trên những “thảm” sỏi này là một trong những trải nghiệm khó quên. Tiếng lạo xạo, rân rân ở lòng bàn chân giống như đang được mát- xa vô cùng dễ chịu. Vòng qua phía bờ Nam của lòng hồ thủy điện, giữa những triền đồi cao su, cà phê ngút ngát, có gần hai héc-ta cây Tràm nước chen chân thẳng tắp. Đây là dự án của nhà máy thủy điện Ya Ly trồng thử nghiệm tại khu vực xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Hy vọng trong thời gian tới, dự án này sẽ được nhân rộng, góp phần đáng kể tạo cảnh quan lòng hồ, đồng thời thay thế những bãi cây Mai dương gai góc đang xâm lấn vùng đất bán ngập.
Ngược về hướng thượng nguồn, nơi dòng Pô-cô gặp sông Đăk Bla hòa vào lòng hồ thủy điện Ya Ly. Trước mũi thuyền, vô số đàn cá trắng nhảy tung tăng. Loại cá này mê ánh sáng điện, vào mùa nước dâng, các vó bè của ngư dân khai thác hàng tấn mỗi đêm. Anh Sơn cũng cho biết người dân đã bắt được những con cá trắm, cá mè lên đến 30 kg, đặc biệt ở đây cá chép rất nhiều. Chúng tôi cập vào một “đảo” nhỏ phía bờ Nam gần ngã ba sông, rộng chừng 0,2 ha khi nước dâng đến cao trình 515 mét. Trên đảo, những tảng đá lững lững hoang sơ, cùng một số cây xanh tự nhiên đan xen, ngày đêm đón gió lòng hồ mát rượi.
Ra đến ngã ba sông, khi mọi người trên thuyền đang lâng lâng mây nước, anh Đặng Ngọc Thơ- Bí thư Đảng ủy xã Ya Ly cất giọng hồ hởi, khẳng định: “Tôi cũng may mắn được đi du lịch nhiều nơi, nhưng quả thực ở vùng lòng hồ này cảnh quan thơ mộng quá. Kết nối lưu thông đường thủy cũng rất thuận lợi, từ đây theo dòng Đăk Bla về thành phố Kon Tum khoảng 25 ki-lô-mét. Nếu phát triển được dịch vụ vận chuyển khách trải nghiệm sông nước, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao”. Anh cũng là người luôn trăn trở, cùng với tập thể lãnh đạo xã Ya Ly tìm hướng khai thác vùng sông nước đầy tiềm năng này.
Đập thủy điện Ya Ly.
Hiện tại, xã Ya Ly đang vận động, khuyến khích người dân trồng các loại cây tạo cảnh quan ven hồ như dừa, tràm nước,…và phát triển thêm một số mô hình nuôi thủy sản. Việc nuôi các loại cá như: Tràu bông, điêu hồng, thát lát cườm, lăng, trê và ếch ở đây khá triển vọng. Sản phẩm “Khô cá lóc Thanh Sơn” đã được công nhận đạt “Ba sao” cấp tỉnh. Đặc biệt, ngay trên nhà bè “Thanh Sơn” cũng sẵn sàng phục vụ các món ăn được chế biến từ thủy sản lòng hồ như cá trăng chiên giòn, cá tràu kho tộ, cá lăng nấu măng chua, ếch um chuối,.v.v.. nếu khách có yêu cầu.
Thuyền chúng tôi cập bến “Đợi” làng Chờ sau hơn ba giờ vi vu trên hồ. Cái tên bến Đợi mang nhiều thương nhớ và hy vọng. Đợi được xây dựng thành cầu tàu cho những chiếc thuyền neo đậu, đợi được đón và trả khách trải nghiệm sông nước kỳ vĩ mênh mang,…và trên hết là đợi được các doanh nghiệp đầu tư để đánh thức tiềm năng du lịch, góp phần để Ya Ly khởi sắc./.
Bài và ảnh: Trần Văn Tiên.