Hoạt động của ngành

Kon Tum: Phát triển du lịch và sinh kế cho người dân

Cập nhật: 03/04/2024 15:39:17
Số lần đọc: 747
Trong 3 tháng đầu năm, ngành du lịch tiếp đà phục hồi và phát triển, là một trong những điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, để du lịch giữ được đà tăng tốc, tạo sinh kế bền vững cho người dân vẫn còn nhiều điều phải trăn trở.


Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I của tỉnh, tôi đặc biệt ấn tượng với con số thống kê về phát triển du lịch. Toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 895.000 lượt khách, trong đó, có khoảng 2.000 lượt khách quốc tế, đạt trên 52% kế hoạch đề ra. Doanh thu từ ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 908,03 tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 57,46 tỷ đồng, tăng 21,60%, doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 849,67 tỷ đồng, tăng 8,57%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 0,96 tỷ đồng, tăng 22,07% so với cùng kỳ năm 2023.

Những con số này cho thấy sự khởi sắc rõ nét của ngành “công nghiệp không khói”. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng việc thực hiện mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 là khả thi.

Theo đánh giá của ngành chức năng, sự tăng trưởng của ngành du lịch những tháng đầu năm trước hết phải nói đến sức hút từ các điểm đến, nhất là các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, tạo điểm nhấn mới mẻ, thu hút được sự quan tâm của du khách. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các địa phương, đơn vị đã có sự quan tâm, đầu tư làm mới, đa dạng hóa các hoạt động du lịch để tăng thêm sức hấp dẫn với khách du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế cho nhiều người dân. Ảnh: TH

Không thể phủ nhận rằng du lịch đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho các địa phương, đồng thời, còn đóng góp đáng kể trong việc tạo ra sinh kế cho người dân.

Thực tế cho thấy, ở vùng nào, việc khai thác và phát triển du lịch hiệu quả thì cộng đồng ở đó được hưởng lợi theo trên tất cả các mặt kinh tế-xã hội và văn hóa, đời sống của người dân tăng lên.

Chẳng hạn như ở Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), nhờ định hướng đúng, mỗi năm có khoảng từ 700 - 900 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại làng. Du lịch đã mang lại sinh khí mới cho cộng đồng nơi đây, bởi không chỉ cảnh quan thôn làng được đầu tư, tôn tạo theo hướng đồng bộ và văn minh hơn, mà trong từng hộ gia đình cũng dần tìm cho mình vị trí công việc thích hợp để tham gia vào chuỗi phục vụ nhu cầu của du khách như cung ứng các dịch vụ lưu trú, cung cấp sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa lưu niệm...giúp nâng cao thu nhập. Du lịch cũng tạo động lực để người dân bảo tồn những nét văn hóa, ngành nghề truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn đó những điểm nghẽn. Trên thực tế, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, sẵn có. Các sản phẩm du lịch có chất lượng chưa cao, đơn điệu về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Một số vùng có tiềm năng du lịch, nhưng giao thông đi lại không thuận tiện nên khó kết nối tour du lịch. Việc quảng bá, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế; người dân tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch chưa được nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng người dân làm du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “chụp giật” cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của tỉnh.

Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người, lực lượng lao động phục vụ trong ngành du lịch khoảng 3.000 người; tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh.

Với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo, tỉnh còn nhiều dư địa phát triển du lịch. Sự “tăng nhiệt” của thị trường du lịch thời gian qua được kỳ vọng sẽ tạo đà cho ngành du lịch Kon Tum tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch của năm 2024 và những năm tiếp theo, các cấp, ngành, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm khắc phục những bất cập, hạn chế để du lịch của tỉnh tiếp tục hút khách. Và, không chỉ hướng đến du khách nội địa, cần có giải pháp thu hút khách quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời, giúp người dân được tham gia và hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch.

Thùy Hương

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.vn - Đăng ngày 02/4/2024

Cùng chuyên mục