Hành trang lữ khách

La Bằng - ''sơn nữ ẩn mình'' bên sườn Đông Tam Đảo - Thái Nguyên

Cập nhật: 14/08/2023 12:02:38
Số lần đọc: 793
Nhắc đến La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên), nhiều người nghĩ ngay đến địa chỉ đỏ nhen “lửa hồng” cách mạng. Bởi nơi đây, cuối năm 1936, tại xóm Lau Sau, cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập. Sử sách khắc ghi và lòng người nhắc nhớ. Nhưng, nếu chỉ thấy La Bằng là vùng đất của lịch sử thì chưa đủ. Thiên nhiên vừa thơ mộng trữ tình vừa hoang dã nguyên sơ của vùng đất này đang đợi du khách khám phá và nhà đầu tư đến để sinh lời.


Cảnh sắc vùng chè La Bằng. Ảnh: Thu Huyền

Trụ sở UBND xã La Bằng ngày nghỉ không vắng như chúng tôi mường tượng. Nhiều cánh cửa phòng làm việc vẫn mở và thấp thoáng dáng người vào, ra. Đón chúng tôi bên cây hồng cổ hoa rực rỡ, anh cán bộ văn phòng ủy ban trần tình: Các đồng chí lãnh đạo đang ở cơ sở, anh chị lên phòng ngồi chờ một lát…

Chúng tôi vừa yên vị thì Chủ tịch UBND xã La Bằng Dương Văn Vượng thoăn thoắt bước vào, anh giải thích: Chúng tôi xuống cơ sở kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm đường 6m” theo Nghị quyết số 07 của Huyện ủy Đại Từ, phong trào hợp lòng dân nên bà con nhiệt tình tham gia.

Bên ấm chè La Bằng dậy hương, anh Vượng vắn tắt thông tin: Nếu nói về phát triển kinh tế, cơ bản chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, bởi tổng sản lượng lương thực có hạt của La Bằng là 918,5 tấn, đạt 52,2% kế hoạch năm. Diện tích cây chè toàn xã là 331,29ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 297,79ha, chè kiến thiết cơ bản 33,5ha. Năng suất chè bình quân trong 6 tháng đạt 139 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 2.070 tấn, bằng 50,1% kế hoạch năm. Một trong những định hướng của La Bằng là phát triển du lịch. Xã vừa hoàn thiện thi công xây dựng biểu tượng du lịch xã La Bằng tại xóm Tân Sơn. Xã cũng chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; thành lập bộ phận thu gom, xử lý rác thải tại các điểm du lịch sinh thái; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển. Mà thôi, mời các anh chị xuống cơ sở để “trăm nghe không bằng một thấy”.

Chúng tôi rời ủy ban, đi trên những con đường bê tông uốn lượn bên đồi chè để khám phá La Bằng, mà điểm đầu tiên là Homestay La Bằng ở xóm Tân Sơn.

Nằm ở lưng chừng đồi, được bao quanh bởi những nương chè xanh mướt, Homestay La Bằng đi vào hoạt động từ năm 2021, đang thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Không khí trong lành, những món ăn dân dã như gà đồi, các loại rau rừng, măng rừng, đặc biệt các món ăn chế biến từ cá tầm (đặc sản của suối Kẹm)... là điểm cộng khiến khách thưởng thức một lần là nhớ khi đến mô hình du lịch trải nghiệm này.

Ngày thường cơ sở đều rất đông khách, ngày cao điểm, Homestay có thể đón khoảng 500 lượt khách. Chủ Homestay, anh Nguyễn Văn Tới, chia sẻ: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng lúc đầu với tôi thật sự khó khăn. Nhưng vừa làm vừa học hỏi, dần cũng quen với công việc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm nhà sàn cộng đồng, phòng nghỉ bên sườn núi phục vụ du khách lưu trú cũng như kết nối tham quan, trải nghiệm với một số điểm đến trên địa bàn như: Hợp tác xã chè La Bằng, suối Kẹm.

Đến du lịch La Bằng không thể không đến suối Kẹm anh Tới vừa nhắc, bởi đó là một kiệt tác của thiên nhiên dưới chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ.

Suối Kẹm bắt nguồn từ đỉnh Tam Đảo, len lỏi chảy qua những ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù hấp dẫn, đẹp mắt. Hai bên bờ suối là những thảm cây rừng nguyên sinh của chân núi Tam Đảo.

Trên cung đường di chuyển khám phá suối có nhiều bãi tắm khá rộng và các điểm check-in đẹp, có lán nghỉ được bố trí dọc đường. Hành trình khám phá ngọn nguồn suối Kẹm cũng vô cùng thú vị với rất nhiều điểm tham quan như thác Trắng là thác có chiều cao khoảng 100m, vào mùa Hè nước dội từ trên cao xuống trắng xóa, dưới chân thác cây cỏ như bị dạt theo một hướng bởi sức nước chảy tạo thành luồng gió rất mạnh.

Đi xa hơn có thể ngắm những cây chò chỉ, cây gội cổ thụ có tuổi thọ vài trăm năm với chiều cao từ 50 đến 60m, có những cây đường kính từ 2 đến 3m.

Suối Kẹm thực sự thích hợp cho những chuyến du lịch dã ngoại, và điểm du lịch sinh thái này đang do Vườn quốc gia Tam Đảo quản lý.

Du khách đến với La Bằng. Ảnh: Thu Huyền

Chuyện về làm du lịch, các đồng chí lãnh đạo xã đương nhiệm và tiền nhiệm còn lắm tâm tư. Chủ tịch UBND xã La Bằng Dương Văn Vượng thừa nhận: Chúng tôi có tiềm năng, nhưng đến thời điểm hiện tại, du lịch đang ở dạng tự phát, thiếu tính kết nối, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Du khách khi đến La Bằng, ngoài điểm vui chơi ở suối Kẹm, ghé ăn quán cá tầm, chưa có thêm các điểm vui chơi khác.

- Không lẽ du lịch La Bằng chỉ dừng ở tiềm năng?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã La Bằng Triệu Văn Đông tâm tư: Tiềm năng, thế mạnh đã xác định được, nhưng để phát huy tiềm năng đó cần quy hoạch và đầu tư đồng bộ, nhất là các dịch vụ tiện ích. Bởi thế từ nay đến cuối năm xã tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch điểm du lịch xã La Bằng. Xa hơn nữa là nghiên cứu xây dựng tour du lịch sinh thái suối Kẹm, khám phá Vườn quốc gia Tam Đảo, trải nghiệm hái chè, thăm các làng nghề chè truyền thống và Di tích lịch sử nơi ra đời cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh…

Tiếp mạch tâm tư của những người lãnh đạo kế nhiệm, anh Nguyễn Ngọc Thép, nguyên Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, nói như khẳng định: Những năm gần đây, xác định xây dựng vùng du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân, chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng homestay, các điểm nghỉ dưỡng. Khi làm được những điều đó, chắc chắn du khách đến đây sẽ ở lại tận hưởng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của La Bằng…

Có đi mới thấy quả thật La Bằng đẹp như nàng sơn nữ. Nhưng sơn nữ La Bằng vẫn “ẩn mình” bên sườn Đông Tam Đảo, chỉ mới soi gương suối Kẹm làm duyên mà chưa biết điểm phấn, tô son để nhan sắc thêm phần rực rỡ.

Có thể vì thế mà các đồng chí lãnh đạo địa phương đang nỗ lực tìm kiếm một thợ chuyên nghiệp để “make up cho sơn nữ La Bằng” vừa hoang sơ huyền bí, vừa lộng lẫy, kiêu sa, đủ sức hút hồn du khách.

Chúng tôi tin, với tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo xã và những thay đổi trong tư duy của người dân thì tương lai trên bản đồ du lịch Thái Nguyên, La Bằng sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Ngọc Ánh - Hồng Ngân

Nguồn: Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 07/8/2023

Cùng chuyên mục