Lâu đài chocolate giữa phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng)
Du khách theo dõi quá trình nghệ nhân tạo hình chocolate tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên
“Mê cung” nghệ thuật
Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 7km, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên thường được biết đến là nơi có tòa nhà kiến trúc bằng đá đồ sộ, nơi nghiên cứu nguồn tài nguyên động, thực vật vùng Tây Nguyên. Tại đây, còn có một không gian dành riêng cho nghệ thuật chocolate - Gallery La Chocotea, được coi là bảo tàng chocolate đầu tiên ở Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng và thích thú là chocolate được trưng bày trong một lâu đài mang đậm thiết kế phương Tây.
Mỗi gian trưng bày lần lượt đưa người xem đến với các sản phẩm như những trái ca cao tươi, hạt ca cao và cuối cùng là phòng trưng bày các sản phẩm tạo hình từ chocolate. Hầu hết tác phẩm ở đây đều mang trong mình những hình ảnh, câu chuyện về Đà Lạt với những sản vật đặc trưng của xứ cao nguyên và những công trình kiến trúc độc đáo. Tất cả đều được các nghệ nhân lưu lại qua bàn tay khéo léo, tài hoa.
Bạn Nguyễn Thúy Ngân (du khách TP. HCM) chia sẻ: “Tôi đã thực sự bất ngờ vì nghĩ rằng các tác phẩm được làm bằng lụa, hay đất sét. Nhưng khi bước vào trong, một mùi thơm ngào ngạt của chocolate và được nghe thuyết minh về quá trình sáng tạo, tôi đã thực sự ấn tượng với những chi tiết được làm rất cầu kỳ, tỉ mỉ và giống như thật. Nhất là các tác phẩm về hoa đặc trưng của Đà Lạt, kích cỡ gốc cây, cành cho đến cánh hoa đều y như thật, ngay cả màu sắc”. Nhiều nhóm bạn trẻ khi tìm đến đây mong muốn được tự tay làm chocolate. “Dành ra một buổi để trải nghiệm quy trình làm chocolate và trực tiếp tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh dành tặng người thân, bạn bè của mình sau chuyến du lịch là điều rất thú vị”, Thu Thảo (du khách Nha Trang) cho biết.
Sáng tạo gắn với Đà Lạt
Cây ca cao được người Pháp đem đến Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, trồng ở nhiều nơi như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước... Trải qua khoảng thời gian dài, ca cao trồng ở Lâm Đồng được đánh giá có chất lượng và đậm vị nhất nhờ khí hậu ôn hòa. Bảo tàng chocolate ra đời trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao thành tựu nghiên cứu về tạo giống, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cây ca cao hữu cơ tạo vùng trồng nguyên liệu ca cao bền vững ở Lâm Đồng của Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên. Từ nguồn nguyên liệu tại địa phương kết hợp với công nghệ chế biến chocolate hiện đại của Pháp cho ra chất lượng không thua kém gì chocolate nhập khẩu nguyên liệu từ các nước phương Tây.
Đến Gallery La Chocotea, nếu một lần được chứng kiến những nghệ nhân lành nghề làm chocolate nghệ thuật, hẳn sẽ khiến du khách phải trầm trồ. Bàn tay điêu luyện, nhịp nhàng như những nhạc công đang chỉ huy “dàn hợp xướng” ca cao, đường, sữa… Mọi nguyên liệu được hòa quyện với chất liệu là đam mê, là sự thăng hoa và hơn cả là tình yêu dành cho xứ hoa Đà Lạt.
Bởi vậy, anh Trần Minh Thành, nghệ nhân tại Gallery La Chocotea, chia sẻ: “Các tác phẩm chocolate tại đây đa phần hướng về những hình ảnh của Đà Lạt, như giới thiệu các loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Khách đến tham quan tìm hiểu cũng có thể bắt gặp một số loài hoa quen thuộc của Đà Lạt như mai anh đào từ chocolate”. Thông thường mỗi tác phẩm tùy kích thước sẽ thực hiện trong vài ngày hoặc thậm chí nhiều tuần, như tác phẩm “Bàn tiệc hoàng gia” sinh động từ hơn 63kg chocolate được thực hiện trong vòng 52 ngày.
Bà Nguyễn Thị Mai Linh, quản lý tại Gallery La Chocotea, cho biết: “Du khách khi đến tham quan không gian sẽ được nghe thuyết minh về cây ca cao, đồng thời có thể trải nghiệm tự tay làm chocolate và hiểu hơn về quá trình làm ra một sản phẩm hoàn thiện. Du khách yêu Đà Lạt, họ trân quý từng khoảnh khắc dưới nhịp sống bình yên của nơi này. Bởi, chỉ một góc nhỏ trải nghiệm như tại lâu đài chocolate đã có thể gói gọn tấm lòng của mình vào những món quà nhỏ xinh dành tặng cho người thân, bạn bè”.
Bước vào không gian Gallery La Chocotea, đập vào mắt du khách là một cây mai anh đào Đà Lạt rực rỡ, với thân màu nâu xù xì, từng cánh hồng đào nhìn như thật, toàn bộ làm bằng chocolate. Nét đặc trưng của phố núi đã thêm phần thi vị nhờ tác phẩm độc đáo này.
Đoàn Kiên