Lạ lẫm trà lam
Ông Bàn Văn Oỏng, người Dao áo dài ở thôn Khuổi Luông, xã Cao Bồ, đã ngoại thất tuần mà vẫn minh mẫn, tráng kiện. Ông vui vẻ mời tôi lên nhà sàn uống chén trà lam. Ông lấy ống trà lam từ gác bếp xuống, những miếng trà được tách ra như những đồng tiền xu có dính lớp áo trắng của ống nứa được cho vào chiếc ấm đất đã dùng có đến cả chục năm nay nên bám đầy cao trà. Ông đun ấm nước từ nguồn mạch ngầm trên núi dẫn về nhà, pha trà ngay bên bếp lửa đặt giữa nhà.
Chén trà rót ra nhuốm màu đỏ sậm của thời gian mà rất sáng, hương thơm của trà quyện với hương tươi nguyên của ống lam tạo nên vị ngọt mát thanh khiết rất sảng khoái. Đặc biệt, uống chén trà lam tôi còn ngửi được mùi khói bếp, vị thuần của giống trà shan tuyết cổ thụ ngọt, để lại dư vị tròn đầy, kéo dài.
Theo ông Oỏng, người dân tộc Dao áo dài ở đây có cách làm trà lam đã tồn tại rất lâu đời. Trà hái về được rải xuống sàn nhà cho mát và héo. Tiếp đến, cho trà vào chảo gang sao đều tay trên ngọn lửa vừa phải để trà héo dần, hết nước, chín sau đó đổ trà ra nia, quạt cho nguội, vò bằng tay rồi đắp đống ủ trong khoảng bốn giờ. Chọn ống tre, nứa, giang… còn tươi, dài chừng 20 - 30cm, từ từ nhồi trà vào ống, vừa nhồi vừa lấy cái que tre nén cho trà cuộn chặt trong ống. Đốt một đống lửa thật đượm, đặt chiếc kiềng sắt giữa đống lửa, để những ống trà lam lên kiềng rồi xoay đều tay để nướng ống trà. Khi thấy mùi thơm của trà từ ống lam tỏa ra là xong khâu sấy. Từng ống trà lam được lấy lá chuối hoặc cơm nếp nút kín rồi gác lên gác bếp để dùng dần.
Đây là loại trà phổ nhĩ sống, càng để lâu càng quý, hương càng thơm, nước càng sậm, vị càng đượm. Trà lam có hương vị đặc trưng nồng đượm như mật mía của trà phổ nhĩ, lại hợp với hương thơm và vị ngọt, mát của ống tre, nứa, giang…
Ông Jaroslaw Tochiku, nhà nghiên cứu trà người Ba Lan, khi sang xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nghiên cứu và trải nghiệm làm trà, thưởng thức trà đã thốt lên rằng: “Ấn tượng nhất với tôi là trà lam. Cách làm độc đáo, hương, vị trà ngon. Đây là một loại trà đặc sản cần quảng bá”.
Trong sách “Nam dược thần hiệu” (1761) của Tuệ Tĩnh có ghi: “Trúc hoàng: Phấn trong thân cây nứa, vị ngọt, tính hàn, không độc, hòa tạng phủ, trừ phong, trấn tĩnh tâm thần, chữa trẻ con bị kinh giản, trúng đàm, không nói được, công hiệu rõ rệt. Có tên là thiên trúc hoàng, ở trong ruột nứa, hoặc trắng như phấn hoặc vàng như đất, người ta chẻ nứa ra thường thấy có”. Như vậy, trà lam vừa là loại trà ngon vừa là vị thuốc quý.
Người có công quảng bá đặc sản này phải kể đến ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần 7P - chủ thương hiệu Song Hỷ trà. Từ năm 2015, với đam mê phục hồi những loại trà đặc sản của người Việt Nam, ông Tuấn đã cất công lên Vị Xuyên tìm hiểu, đặt hàng rồi đưa những ống trà lam hạ sơn về giới thiệu với những người yêu trà ở TP.HCM, Hà Nội rồi dần dần là Trung Quốc, Canada, Pháp… Ông Tuấn cho biết: “Giá một ống trà lam 200gr trên thị trường hiện dao động từ 250.000 đồng/ống đến 800.000 đồng/ống. Trà lam thuộc dòng trà phổ nhĩ nên càng để lâu càng có giá, giá tăng trung bình 10%/năm”./.