Lai Châu: Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch
Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Trái Tim (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) được UBND tỉnh công nhận sản phẩm du lịch (cung cấp nhà nghỉ dịch vụ lưu trú ngắn ngày, ăn uống) đạt OCOP 3 sao. Đó cũng là tiền đề để HTX đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Anh Hảng A Xà - Giám đốc HTX Trái Tim cho biết: Để thu hút du khách, HTX đã phối hợp với Ban Quản lý bản Sin Suối Hồ vận động nhân dân góp sức, hiến đất cùng với chính quyền địa phương cải tạo xây dựng những con đường và cảnh quan thành điểm du lịch cộng đồng. Cùng với đó, chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu, sản phẩm du lịch thông qua trang Youtube, mạng xã hội facebook. Vì vậy, du khách tìm đến HTX ngày một nhiều hơn. Khi đến đây, du khách nghỉ tại những ngôi nhà homestay, được cùng sinh hoạt, ăn uống, vui chơi, lao động với người địa phương, trải nghiệm thực tế phong cảnh, văn hóa và nhất là phong tục tập quán của người bản xứ.
Nhà tổ ong được HTX Trái Tim thiết kế độc đáo và mới lạ hiện đang thu hút khách du lịch đến tham quan và nghỉ lại.
Từ đầu năm đến nay, HTX Trái Tim đã đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan, trừ chi phí doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Đời sống của thành viên HTX và bà con được nâng lên rõ rệt, với thu nhập chủ yếu từ bán các sản phẩm như: dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng…
Chị Tôn Nữ Ngọc Sương - du khách đến từ quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh như thỏa niềm ao ước khi được đặt chân đến Sin Suối Hồ. Chị Sương chia sẻ: "Qua các phương tiện thông tin truyền thông, tôi biết đến bản Sin Suối Hồ đã lâu, nay được đến tham quan, trải nghiệm mới cảm nhận hết được bản sắc văn hóa riêng biệt và vô cùng độc đáo. Được thưởng thức những món ẩm thực tươi ngon, phong phú và đa dạng như: lợn bản đủ món, gà đồi, mèn mén, bánh dày, nộm rau dớn rừng, rau cải mèo… Nhưng có lẽ, ấn tượng hơn cả chính là sự thân thiện, hiếu khách vốn có của đồng bào Mông nơi đây".
Hiện nay, một số chủ thể có sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn huyện Than Uyên hiện cũng đang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch. Theo chị Lò Thị Dung - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé (xã Mường Kim), nếu như trước đây nuôi cá lòng hồ chỉ bán cho các thương lái, nhưng từ khi xây dựng các sản phẩm cá đạt OCOP được gắn sao đã dần tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng, nhất là những loại cá đặc sản như: lăng, bỗng… thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức. Vì vậy, trung bình mỗi ngày HTX đón khoảng 20 khách du lịch, riêng những vào dịp lễ, tết đón khoảng 160 - 200 khách/ngày.
Nhờ có những sản phẩm cá đạt OCOP nên HTX Thanh niên Thẩm Phé đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 204 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao và có 12 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, thành phố. Sự phát triển của sản phẩm OCOP đã từng bước thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là các HTX, doanh nghiệp vừa, nhỏ trong việc quảng bá các sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Đây cũng là hướng đi để đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Đồng thời, tạo thu nhập cho lao động địa phương, nâng doanh thu của chủ thể có sản phẩm đạt OCOP.
Có thể khẳng định, việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã từng bước tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của tỉnh. Qua đó, vừa kích thích nhu cầu mua sắm, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tới tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ánh Hồng