Sín Thầu (Điện Biên) phát triển du lịch để xóa đói giảm nghèo
Du khách vượt gần 800km từ Hà Nội để lên tham quan mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên
Sín Thầu là xã biên giới huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào và Trung Quốc. Địa phương này có 7 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì chiếm 90%, còn lại là các dân tộc khác đến làm ăn, sinh sống và công tác.
Cùng với bản sắc văn hóa riêng có, nét đặc sắc ở Sín Thầu không phải nơi nào cũng có được chính là những khu, điểm, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mang tính biểu trưng của vùng đất ngã ba biên này. Đó là mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, núi Khoang La San, không gian văn hóa tâm linh Tá Miếu, thác Đa Tự ở đầu nguồn suối Pan Pơi... Sín Thầu còn có diện tích rừng tự nhiên lớn, trên 11.000ha, tỉ lệ che phủ đạt 80% với hệ động thực vật phong phú... Đây chính là những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch.
Hiện, trên địa bàn xã Sín Thầu có 5 cơ sở lưu trú với 15 buồng, 1 nhà hàng ăn uống. Hàng năm, có hàng nghìn lượt khách đến chinh phục mốc giao điểm ngã ba biên giới, lối mở A Pa Chải và khám phá nét văn hoa, ẩm thực của dân tộc Hà Nhì trên địa bàn xã. Trong những năm qua, Trung ương, tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, quốc lộ 4h từ huyện Mường Nhé đến lối mở A Pa Chải được mở rộng, trải nhựa nên việc đi lại từng bước thuận tiện. Trung ương và UBND tỉnh Điện Biên cũng đang quan tâm đầu tư nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú (Trung Quốc) thành cặp cửa khẩu song phương và đầu tư du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ... Đây là những điều kiện thuận lợi đầu tiên để phát triển du lịch ở Sín Thầu.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy, kết quả phát triển du lịch trên địa bàn xã Sín Thầu chưa thực sự phát huy được hết lợi thế, tiềm năng vốn có. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, việc tổ chức hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch du lịch. Về nguồn lực, hiện chưa có doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa bài bản; kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trên cơ sở phân tích những lợi thế cũng như hạn chế, tháng 8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Sín Thầu khóa XXI đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, Sín Thầu dần trở thành một trong những điểm đến trong chuỗi sản phẩm du lịch của huyện Mường Nhé, phát triển du lịch nhằm tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực du lịch - dịch vụ, là điểm kết nối với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với các xã lân cận của huyện Mường Nhé trong phát triển du lịch.
Sín Thầu phấn đấu đón 20.000 lượt khách vào năm 2025, ước doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch đạt 1 tỷ đồng; thu hút từ 1 đến 2 nhà đầu tư chiến lược trở lên tham gia đầu tư phát triển vào du lịch trên địa bàn xã. Định hướng đến năm 2030, xã Sín Thầu phấn đấu hoàn thiện các công trình phục vụ cho du lịch như xây dựng khu du lịch cộng đồng, các hạng mục đầu tư miếu thờ Tá Miếu... Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch; thu hút từ 1 nhà đầu tư chiến lược trở lên tham gia đầu tư phát triển vào du lịch tại thác Đa Tự.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng ủy xã Sín Thầu xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vai trò và sự cần thiết phải phát triển du lịch cũng như những tác động và đóng góp tích cực của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và thực hiện kết nối vùng miền trong phát triển du lịch.
Người Hà Nhì lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng có như những điệu múa, bài hát truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên
Hiện nay, xã Sín Thầu đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như: Xây dựng đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Hà Nhì xã Sín Thầu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tỉnh và huyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống; phối hợp với Phòng Văn hóa, Truyền thanh - Truyền hình huyện Mường Nhé, các cơ sở đào tạo về du lịch tổ chức tập huấn quản lý Nhà nước về du lịch. Đồng thời, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho lao động trong lĩnh vực lưu trú, kỹ thuật chế biến món ăn, thuyết minh viên, bán hàng....
Được biết, hiện, công trình cột cờ Tổ quốc cao hơn 45m trên đường lên cột mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc do tỉnh Điện Biên đầu tư đang được hoàn thiện để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Theo thiết kế, cột cờ có phần trụ bằng bê tông cốt thép cao 29,5m; phần cột cờ bằng inox cao 15,69m; kích thước lá cờ 7,5x5m với diện tích 37,5m2. Phần bệ đế, thân cột cờ được thiết kế hình bát giác, mặt ngoài thân cột cờ ốp đá, phần chân ốp phù điêu hình ảnh đặc trưng văn hóa Tây Bắc và các họa tiết dân tộc. Phía dưới nhà chờ được xây dựng sân chào cờ, bồn hoa cây cảnh, bãi đỗ xe và các hạng mục tạo cảnh quan khác. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn cho những du khách ưa thích khám phá, trải nghiệm đến với Sín Thầu.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Lý Hừ Cà cho biết: “Thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, trong thời gian qua, UBND và Đảng ủy xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời, tổ chức một đợt tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho người dân. Đến nay, trong xã đã có thêm 3 homestay có khả năng tiếp đón 40 lượt khách lưu trú”.
Thực tế cho thấy, mục tiêu đón 20.000 khách vào năm 2025 của xã Sín Thầu có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để Sín Thầu sớm trở thành điểm đến hấp dẫn cần sự đầu tư, hỗ trợ lớn từ Nhà nước cả về nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch và ý chí vươn lên của người dân.
Bích Nguyên