Hoạt động của ngành

Lai Châu: Sà Dề Phìn từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân

Cập nhật: 24/01/2024 11:49:32
Số lần đọc: 673
Nhờ lấy du lịch làm trọng tâm, nông nghiệp, dịch vụ làm cầu nối thu hút đầu tư... xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.


Sà Dề Phìn thuộc xã khó khăn của huyện Sìn Hồ. Tuy nhiên, nhờ được thiên nhiên ưu đãi, người dân cần cù, chịu khó, cùng sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, đến nay, xã đã phát triển vượt bậc so với các địa phương khác... Với đặc trưng của xã vùng cao, 95% dân số là dân tộc thiểu số, Đảng ủy xã kiên trì thực hiện chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, Sà Dề Phìn đã có diện mạo hoàn toàn mới. Cơ cấu kinh tế thuần nông, tự phát xưa kia giờ được thay bằng định hướng đa dạng hóa các ngành nghề, tìm kiếm khai thác và phát huy tốt các tiềm năng vùng. Đồng thời, tập trung nâng cao trình độ dân trí, hướng người dân tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, chuyên sâu bền vững và phù hợp xu hướng.

Diện tích đất nông nghiệp của xã đạt trên 720ha, trong đó riêng diện tích trồng cây lương thực có hạt khoảng 500ha, sản lượng lương thực đạt 1.650 tấn và tăng dần theo từng năm. Ngoài ra, xã thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân khai hoang thêm diện tích đất trồng trọt, sử dụng các loại giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất. Đặc biệt, xã còn là địa bàn được các doanh nghiệp nông sản, dược liệu và du lịch dịch vụ... ưu tiên triển khai phát triển các dự án trọng điểm dài kỳ.

Toàn xã đã phát triển được hơn 70ha đất chuyên trồng các loại cây dược liệu: đỗ trọng, đương quy, sâm Lai Châu… cho thu nhập cao, hơn 20ha chuyên trồng các loại cây ăn quả. Diện tích trồng các loại cây công nghiệp: chè, mắc-ca tăng. Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhờ sự nhạy bén của cấp ủy, chính quyền xã đã giúp thu nhập bình quân của người dân nâng lên, tiềm năng thế mạnh được khai thác triệt để. Xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các chương trình, dự án nhằm tăng năng suất cũng như sản lượng nông nghiệp trên địa bàn. Người dân dần thay đổi tư duy làm kinh tế, phù hợp với môi trường lao động hiện đại, đòi hỏi cao về kỹ năng và sự chuyên nghiệp.

Du khách tới trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng tại xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ).

Việc đa dạng các thành phần kinh tế đã mang lại bước phát triển vượt bậc cho xã Sà Dề Phìn, đây là kết quả tất yếu, thông qua sự tương tác hỗ trợ giữa các ngành nghề, người dân đã dịch chuyển dần từ làm nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún sang làm nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao. Đồng thời, dịch chuyển dần sang làm du lịch, dịch vụ nhờ thu hút được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là địa phương đầu tiên tại huyện Sìn Hồ thực hiện mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp chất lượng cao được đầu tư bài bản thu hút nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Anh Mùa A Sinh ở bản Ma Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn) chia sẻ: “Sau nhiều năm gắn bó làm việc với cơ sở trồng sâm Lai Châu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh, giờ đây tôi đã có thu nhập ổn định và việc làm thường xuyên. Hiện, công ty phát triển thêm du lịch nghỉ dưỡng nên tôi đã học hỏi và mở homestay tại nhà. Tôi rất tâm huyết với du lịch nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm văn hóa địa phương nên đã vận động nhiều hộ trong xã tập trung cải tạo cảnh quan và quảng bá hình ảnh địa phương lên các trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, Tiktok… thu hút du khách tới trải nghiệm”.

Nhờ nắm bắt được nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển, từ xã thuần nông, hiện nay, người dân Sà Dề Phìn đã sớm nắm bắt xu thế mới phát triển đa ngành nghề lấy du lịch làm trọng tâm. Với nhiều tiềm năng phát triển du lịch vì có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; xã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế lấy du lịch dịch vụ làm trọng tâm. Cụ thể, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, cải tạo cảnh quan không gian để thuận tiện cho việc đi lại tham quan. Đồng thời, tập trung kêu gọi hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực cho các hộ dân làm du lịch homestay, phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, xã cũng dần đa dạng hóa các ngành nghề khác để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân như: trồng và chế biến các sản vật đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm...

Đồng chí Giàng A Tùng - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, sự ưu ái từ thiên nhiên, đời sống người dân trong xã được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2021 thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 30 triệu đồng/người/năm, thì năm 2023 xã có thu nhập bình quân 36,5 triệu đồng/người/năm và phấn đấu đạt trên 45 triệu đồng/người/năm 2025.

Để có được diện mạo mới như ngày hôm nay, ngoài việc được tỉnh, huyện quan tâm thông qua các chương trình, dự án thì việc người dân chủ động thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm là điều quan trọng để các dự án phát huy tối đa hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao.

M.H

Nguồn: Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 24/01/2024

Cùng chuyên mục