Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''du lịch chất lượng cao'' đã tăng tốc

Cập nhật: 29/12/2022 10:38:22
Số lần đọc: 403
Chỉ với hơn 5 năm nhưng cũng là khoảng thời gian đủ để “kiểm định” chuyến tàu “du lịch chất lượng cao” mà Lâm Đồng hoạch định nhằm thu hút hành khách đến với thành phố ngàn hoa Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Từ đó, mở ra triển vọng gia tăng tốc độ để tới “sân ga” của một đô thị du lịch mang đẳng cấp quốc gia, có tầm khu vực.

Bay dù lượn ngắm nhìn Đà Lạt từ trên cao. Ảnh: Võ Trang

Khởi sự của hành trình “phát triển du lịch chất lượng cao” của Lâm Đồng được Tỉnh ủy đề ra bởi Nghị quyết 07 về “Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” - gọi tắt là Nghị quyết 07 - cách đây hơn 5 năm. Và trong tiến trình thực hiện ấy, Lâm Đồng cũng đồng thời cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của cả nước. Qua đó, Lâm Đồng hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn này và xác định một trong 3 trụ cột trọng tâm là phát triển “du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh” nhằm thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Đa dạng sản phẩm

 Sự hấp dẫn du lịch Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung phải xuất phát từ nội lực - vốn sẵn có của tỉnh từ giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa riêng biệt đến con người - để chuyển hóa vào sự đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch. Dễ dàng nhận ra điều này bởi trong những năm qua, bên cạnh việc khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống thì Lâm Đồng còn tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa vào sự nổi trội, có tính cạnh tranh, vừa mang tính tiên phong, vừa mang lại sự khác biệt đối với các địa phương khác mà cụ thể ở đây là du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm…

 Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho hay, trước, trong và nhất là sau đại dịch COVID-19, Sở đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đầu tư nâng cấp và bổ sung sản phẩm du lịch mới, đi đôi với việc nâng cao chất lượng phục vụ. Do đó, việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch mới luôn được các doanh nghiệp, người dân quan tâm, chủ động, tích cực xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới, độc đáo được thể hiện qua các khu điểm du lịch, các điểm dừng chân; các quán cà phê, giải khát, nhà hàng, khách sạn; cơ sở lưu trú “home-stay”, các điểm du lịch canh nông, các tour, tuyến mới… phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

 Theo báo cáo sơ kết Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy cho thấy, các đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sản phẩm mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, góp phần tạo lập một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch Lâm Đồng ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, trên địa bàn có 3.004 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số phòng lên tới 37.790 phòng, trong đó 455 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.984 phòng. Và hiện có 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan khác. Riêng lĩnh vực lữ hành, có 66 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có tới 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Điểm đáng chú ý là chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã khảo sát và xây dựng được hơn 200 chương trình du lịch nội tỉnh, nội địa và quốc tế để đưa vào khai thác kinh doanh. “Chính sự đa dạng sản phẩm du lịch, dịch vụ là lực hút du khách trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng, Đà Lạt”, ông Nguyễn Viết Vân cho hay.

Mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết 07 đến năm 2025

 - Tăng tỷ trọng ngành Du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 37%.

- Lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm từ 12-13% tổng lượng khách qua lưu trú.

 - Hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 2 công trình trọng điểm Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Đại Ninh. Kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư tại Khu du lịch khu vực Prenn và Khu du lịch núi SaPung.

- Phấn đấu đến năm 2025 số phòng đạt chuẩn cao cấp chiếm trên 25% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và trên 45% trong tổng số phòng đạt chuẩn 1 - 5 sao trên địa bàn tỉnh.

 - Tăng tỷ lệ lao động du lịch trực tiếp qua đào tạo trên 85%.

 - Ngày lưu trú bình quân của du khách đạt trên 2,4 ngày.

Phục hồi mạnh mẽ

 Đại dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 đã gây ảnh hưởng trên mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt, ngành Du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, không khỏi bất ngờ khi lượng khách du lịch đến Lâm Đồng giảm mạnh, đặc biệt đối với khách quốc tế.

Tuy nhiên, những năm trước đại dịch, trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 8,9%; lượt khách qua lưu trú tăng trưởng bình quân là 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số khách qua lưu trú. Và ngay khi đại dịch COVID-19 được khống chế, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, du lịch Lâm Đồng đã phục hồi mạnh mẽ với những con số biết nói. Cụ thể, năm 2022, tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 7 triệu lượt, tăng 340% so với cùng kỳ và đạt 127,3% kế hoạch năm. “Với số lượng du khách đến Đà Lạt, Lâm Đồng trong năm vừa qua, bình quân lưu trú 2,1 ngày và chỉ tính riêng cho chi phí ăn ở, du khách sẽ tiêu hàng ngàn tỷ tại thành phố Đà Lạt”, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San chia sẻ.

 Bỏ qua 2 năm suy giảm tăng trưởng khách du lịch vì hầu như mọi hoạt động du lịch bị “đóng băng”, ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, sự nhộn nhịp du khách trở lại Đà Lạt, Lâm Đồng, góp phần đưa khu vực dịch vụ của tỉnh năm 2022 tăng 19,75%, cao hơn gấp 3 lần so với kế hoạch và nâng tỷ trọng ngành Du lịch, dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh chiếm 40,96% so với chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh từ 39,6 - 40,2%.

Nhiều dư địa để tăng tốc

Lâm Đồng đã và đang tích cực tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước, nhất là thu hút đầu tư vào các khu vực quy hoạch du lịch; đặc biệt là tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng và các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch đã đến tìm hiểu và đề xuất đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn trên địa bàn Lâm Đồng. Có thể nêu ra đây một vài tập đoàn, doanh nghiệp mà khi nhắc đến tên tuổi hẳn sẽ biết năng lực đầu tư của nhà đầu tư ra sao, đó là Vingroup, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh, Himlam, TDH Ecoland, Novaland…

 Đáng lưu ý, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng với tỷ lệ 1/2.000, tổng diện tích quy hoạch gần 4.000 ha nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt. Theo bản quy hoạch, mục tiêu hướng đến xây dựng Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng thành điểm đến quan trọng hàng đầu của TP Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng của khu vực Tây Nguyên nói chung để đến năm 2025, khu du lịch này đón khoảng 2,1 triệu lượt khách và năm 2030 đón 4,9 triệu lượt.

Một điểm nhấn lạc quan khác của Lâm Đồng thực hiện trong thời gian qua đó là hạ tầng giao thông tiếp tục phát triển, tăng cường tính kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vành đai, đường đô thị, huyện, xã và giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện thủ tục đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và đến nay đã có nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Kế đó, giao thông hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế. Sân bay Liên Khương là 1 trong 5 cảng hàng không hoạt động hiệu quả nhất trong số 22 cảng hàng không của cả nước...

 Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng hồi cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Hạn chế lớn nhất của Lâm Đồng đó là hạ tầng giao thông kết nối vùng. Do đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Lâm Đồng ưu tiên tập trung vốn, dứt khoát sẽ hỗ trợ tỉnh triển khai tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương để đồng bộ với dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc, đồng thời yêu cầu tỉnh phải chuẩn bị tốt mặt bằng thực hiện dự án này. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Lâm Đồng có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, có lợi thế cạnh tranh nên cần phát huy và bảo tồn các di sản văn hoá, nhất là cảnh quan, kiến trúc phục vụ phát triển du lịch. Làm sao đó để TP Đà Lạt phải trở thành đô thị du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm công nghiệp văn hóa, một cực động lực phát triển vùng Tây Nguyên”.

 Với tầm nhìn về phát triển du lịch nêu trên sẽ tạo dư địa rất lớn cho Đà Lạt, Lâm Đồng có thêm vận hội để tăng tốc chuyến tàu “du lịch chất lượng cao” lăn bánh về đích và trước mắt là hoàn thành những mục tiêu mà Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã vạch ra đến năm 2025.

Xuân Trung

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Ngày đăng 29/12/2022

Cùng chuyên mục