Định vị thương hiệu Hà Giang trên bản đồ du lịch
Đây không chỉ là minh chứng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Hà Giang sau đại dịch Covid-19 mà còn là thành tựu kết tinh cho những quyết sách đúng, trúng của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong việc định vị thương hiệu Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Du khách trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Hà Giang là dải đất biên cương, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều đặc sắc về địa chất, địa hình; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, phát huy... Đây chính là tiềm năng, lợi thế để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện, toàn tỉnh có 61 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (gồm 31 di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh), 43 làng nghề được tỉnh công nhận, 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng và 106 điểm du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Đại dịch Covid-19 xảy ra từ năm 2019 làm “tê liệt” hoạt động du lịch toàn cầu, trong đó có Hà Giang. Trong giai đoạn du lịch “đóng băng”, tỉnh ta tiếp tục triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch để chuẩn bị sẵn sàng nguồn lao động phục vụ du khách khi mở cửa trở lại. Hiện, toàn ngành có trên 13.000 lao động; trong đó, hơn 40% lao động qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nghề du lịch như: Kỹ năng quản lý lưu trú, buồng, phòng, lễ tân, chế biến món ăn, dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Cùng với đó, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch xanh, bản sắc và bền vững với 5 loại hình sản phẩm: Du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm và du lịch thương mại, biên giới. Các sản phẩm du lịch của tỉnh ta được khai thác quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Trong đó, sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với mô hình các làng văn hóa du lịch cộng đồng; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất, địa mạo. Không những vậy, tỉnh ta còn triển khai nhiều sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách như: Đua mô tô, ô tô, xe đạp địa hình, dù lượn, khinh khí cầu, chạy marathon trên cung đường Hạnh Phúc, đi bộ chinh phục Vách đá trắng, các giải đua thuyền, chèo thuyền kayak…
Nghề chạm bạc của đồng bào Dao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) được bảo tồn, phát huy, tạo điểm nhấn cho du lịch trải nghiệm.
Xác định liên kết vùng là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh ta chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, nổi bật là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác với các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc; qua đó, hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, chất lượng và hấp dẫn. Năm 2022, tỉnh ta công bố và đưa vào khai thác 7 sản phẩm du lịch mới; trong đó có 3 sản phẩm liên kết vùng gồm: Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn; Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc; Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên và 4 sản phẩm địa phương gồm: Tinh hoa cực Bắc – Sắc hồng Hà Giang; Hành quân theo bước chân anh; Đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa; Về với địa chỉ đỏ – Bắc Mê.
Cùng với kết quả trên, tỉnh ta còn triển khai linh hoạt, hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với Không gian văn hóa du lịch Hà Giang tại các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa. Đồng thời, đổi mới hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thúc đẩy mối quan hệ với đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế; tổ chức nhiều chương trình xúc tiến du lịch – thương mại Hà Giang thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến với các thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Nga, Canada… Qua đó, góp phần quảng bá, xúc tiến hiệu quả du lịch Hà Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, du lịch Hà Giang đã phục hồi, phát triển khởi sắc sau đại dịch Covid-19. Chỉ trong 8 tháng của năm 2022, hơn 2,3 triệu lượt khách đã chọn Hà Giang là điểm đến du lịch (tăng 1,5 lần so với năm 2021), mang lại nguồn doanh thu du lịch hơn 4.500 tỷ đồng cho tỉnh. Trong đó, có hơn 71.300 lượt khách quốc tế đến từ 136 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Australia, Canada, Israel, Tây Ban Nha, Trung Quốc... Nếu gõ từ khóa “du lịch Hà Giang” trên công cụ tìm kiếm của Google thì chỉ trong 0,29 giây đã cho hơn 7,9 triệu kết quả. Điều này cho thấy sức hút và sự quan tâm của đông đảo du khách dành cho du lịch Hà Giang. Đặc biệt, Hà Giang đã trở thành 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam, do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn (năm 2021).
Phát triển du lịch đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế bền vững, theo tinh thần Nghị quyết 11, ngày 2.8.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3 triệu lượt khách du lịch với tổng thu từ du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn, tạo ra 28.200 việc làm cho lao động địa phương. Nghị quyết 11 đi vào cuộc sống là cơ sở quan trọng để tỉnh ta xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang: Điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc; không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu, sức hút của du lịch Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế.
Bài, ảnh: Thu Phương