Hoạt động của ngành

Ninh Bình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Cập nhật: 29/12/2022 08:31:19
Số lần đọc: 516
Ngày 28/12, tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Bình và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, thu hút sự tham gia của nhiều tỉnh, nhiều hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.  


Tham quan Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An bằng xe bus 2 tầng.

Với chủ đề “Hợp tác phát huy thế mạnh, cùng nhau phát triển”, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại hạn chế trong phát triển du lịch như: hoạt động du lịch thiếu tính liên kết; một số tài nguyên du lịch mới được phát hiện rất hấp dẫn, song chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả; sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương chưa phong phú.

Về các tour du lịch liên tỉnh, liên vùng, quảng bá xúc tiến du lịch còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu, làm cho du khách chủ yếu đi tham quan trong ngày; thời gian lưu trú của du khách ngắn, dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ, dù cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú.

Đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017, về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, du lịch ở khu vực này được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo; gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng, phấn đấu đến năm 2030 thu hút hơn 120 triệu lượt khách…

Ninh Bình là nơi phát tích của ba triều đại Đinh-Tiền Lê-Lý, tỉnh có 1.821 di tích lịch sử, văn hóa. Lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn. Ninh Bình là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư với các dự án về du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm.

Năm 2022, du lịch Ninh Bình nhanh chóng phục hồi trở lại. Tỉnh ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60 nghìn khách quốc tế. Hiện nay, du lịch Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới: nhiều năm liên tiếp du lịch Ninh Bình được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn. Ninh Bình đã và đang liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhau phát triển du lịch như: tổ chức ký kết nhiều văn bản liên kết, hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phối hợp tuyên truyền, quảng bá, trao đổi nghiệp vụ du lịch; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch; phối hợp tổ chức tọa đàm xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch gắn kết các tỉnh, thành phố. Đây là dịp để Ninh Bình khẳng định chủ trương, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước”.

Trước đó, ngày 26, 27/12, các đại biểu được ngành du lịch Ninh Bình tổ chức khảo sát, giới thiệu một số sản phẩm du lịch mới: tham quan di sản bằng xe bus 2 tầng, tuyến checking đi bộ tại Tràng An, sản phẩm du lịch golf gia đình.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Đó là động lực mới thúc đẩy du lịch vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Yến Trinh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 28/12/2022

Cùng chuyên mục