Lâm Đồng: Lạc Dương hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao
Lạc Dương hiện có 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa cồng chiêng phục vụ khách du lịch
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và di sản văn hóa, trong những năm qua, ngành Du lịch huyện Lạc Dương đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, ông Sử Thanh Hoài khẳng định: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Dương các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 đều xác định phát triển du lịch là một trong các chương trình trọng tâm. Trên cơ sở đó, Huyện ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển du lịch trên địa bàn”.
Bức tranh du lịch của Lạc Dương những năm qua đã có nhiều mảng màu sáng. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã thu hút lượng khách tăng bình quân 12%/năm và doanh thu ngành Du lịch tăng bình quân 15%/năm. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển, số lượng cơ sở du lịch được gia tăng đáng kể. Trên địa bàn hiện có 12 khu, điểm du lịch đã được cấp phép hoạt động và nhiều dự án du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đang được đầu tư xây dựng. Hiện có 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa cồng chiêng phục vụ khách du lịch, hình thành nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Lạc Dương đã thu hút gần 5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 386 tỷ đồng. Ngành Du lịch có đóng góp ngày càng cao vào cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh vùng đất, con người huyện Lạc Dương.
Tuy vậy, lãnh đạo huyện Lạc Dương thẳng thắn nhìn nhận: Hiện du lịch địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế địa phương; các sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, phong phú; doanh thu từ du lịch còn thấp; quy mô các cơ sở du lịch còn nhỏ lẻ, phân tán; nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện các dự án du lịch có tính đột phá; việc triển khai một số dự án du lịch đã được cấp phép còn chậm...
Hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022, huyện Lạc Dương tổ chức lễ đua ngựa không yên lần thứ I. Ảnh: T. Khiêm
Để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực
Theo Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều, địa phương xác định mục tiêu chung là tiếp tục khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang và di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng chất lượng, đa dạng, trở thành ngành kinh tế động lực của huyện.
Huyện Lạc Dương cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng năm. Riêng đến năm 2025, huyện Lạc Dương phấn đấu đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế động lực. Bình quân hàng năm tăng từ 10% về lượng khách và từ 12% đến 15% về doanh thu. Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc thu hút đầu tư và đưa vào khai thác một số dự án thành phần của Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng; Khu bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho gắn với mô hình Du lịch cộng đồng tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais; thu hút đầu tư xây dựng mới các khu du lịch dọc tuyến quốc lộ 27C. Thu hút khoảng 1.500 lao động trực tiếp tại các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có từ 80% trở lên lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành Du lịch theo quy định. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch điểm đến; phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch có tính đặc thù, chất lượng cao, sinh thái, hài hòa với cảnh quan môi trường rừng. Xây dựng và tổ chức vận hành hiệu quả 1 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm, gắn với dịch vụ văn hóa cồng chiêng chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu đề ra huyện Lạc Dương đã có quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Tiếp tục bám sát và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch. Có chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, thương hiệu, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển du lịch huyện Lạc Dương. Tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh huyện Lạc Dương, hỗ trợ trực tiếp và tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với ngành Du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch.
Phát triển không gian, sản phẩm du lịch thông qua việc xây dựng, chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương; đầu tư phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Lạc Dương gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch của địa phương đáp ứng về số lượng và chất lượng cho nghiệp vụ du lịch chất lượng cao. Mở lớp truyền dạy cồng chiêng hàng năm cho lớp trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch.
Xác định, khách trong nước giữ vai trò quyết định, khách quốc tế giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch của huyện. Bởi vậy với thị trường khách trong nước, huyện Lạc Dương chú trọng phát triển thị trường khách du lịch truyền thống từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ; mở rộng thu hút thị trường các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, miền Bắc,... Đồng thời, từng bước hướng tới thu hút du khách quốc tế.
Ngọc Ngà