Hành trang lữ khách

Lặng lẽ Mẫu Sơn

Cập nhật: 26/01/2021 10:16:48
Số lần đọc: 752
Không đến mức vắng vẻ như trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn của anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, Trạm khí tượng Mẫu Sơn ở Khu du lịch Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) vẫn gợi cho tôi một cảm giác tương tự, về không gian mờ mờ, ảo ảo, buồn bã chung quanh. Ở đó có những con người đang ngày đêm chống chọi với gió rét để gắn bó với nghề “đo gió, đếm mây” suốt 365 ngày mỗi năm, trong ít nhất 10 năm qua.


Vườn khí tượng của Trạm khí tượng Mẫu Sơn.

Làm việc trong giá rét

Chỉ cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km về phía đông nhưng vùng núi Mẫu Sơn vẫn là một thế giới khác so với suy nghĩ của tôi. Cứ nghĩ nơi đây sẽ phát triển nhờ Khu du lịch Mẫu Sơn và sự xuất hiện của loại rượu Mẫu Sơn nổi tiếng, song thực tế không như vậy. Chúng tôi đến đây vào ngày thứ hai của tuần cuối cùng tháng 12, trên đỉnh rất vắng vẻ, ít người qua lại. Có lẽ, nếu không phải vào dịp liên hoan du lịch Mẫu Sơn vào tháng 6, tháng 7 hằng năm hay mỗi dịp có băng giá và tuyết rơi như tuần đầu của tháng 01/2021 khi nhiệt độ xuống âm độ C, nơi đây vẫn chưa thật sự thu hút khách du lịch như những địa điểm tương tự như: Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Được biết, những năm Pháp thuộc, chính quyền đã biến khu vực Mẫu Sơn thành nơi nghỉ mát và an dưỡng dành cho các sĩ quan, quan chức quân đội. Họ đầu tư xây dựng nhiều biệt thự và vườn hoa trước khi phần lớn số biệt thự này bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, bị thời gian và thời tiết làm xuống cấp rồi bị bỏ hoang và trở thành phế tích. Những gì còn lại giờ đã nhuốm mầu thời gian, phủ kín rêu, cũ kỹ và khiến các khối nhà trở nên trơ trọi, đầy vẻ bí ẩn, ma mị.  

Nói thế để thấy rằng, du khách sẽ chẳng có nhiều địa điểm để dạo chơi hoặc nghỉ ngơi ở Khu du lịch Mẫu Sơn vào những ngày không có điều kiện thời tiết bất thường như tuyết rơi hay băng giá. Thêm nữa, nhiều người vẫn hay nhầm Khu du lịch Mẫu Sơn hiện nay là đỉnh Mẫu Sơn, trong khi thực tế đây là đỉnh núi Pá Sắn (hay Pá Sằn), có độ cao 1.180 m. Dòng chữ Mẫu Sơn Đỉnh trên tấm bia đá ở Khu du lịch Mẫu Sơn chỉ là tên một loại rượu Mẫu Sơn Đỉnh của Công ty cổ phần Tấn Trường Lộc, có hầm rượu ngay cạnh đó… Còn đỉnh núi Mẫu Sơn thật sự nằm trên khu vực linh địa cổ Mẫu Sơn, đoạn đường đi Cửa khẩu quốc tế Chi Ma rẽ lên núi Mẫu Sơn hay còn gọi là núi Mẹ (Phja Mè theo tiếng người địa phương), cao 1.520 m trong rừng rậm nguyên sinh và rất ít người lên được. Cao nhất của khu vực này là đỉnh Công Sơn hay còn gọi là núi Cha (Phja Po) cao 1.541 m. 

Đỉnh này thường xuyên bị sương mù bao phủ, hiếm khi được nhìn thấy từ trung tâm Khu du lịch Mẫu Sơn. Ngoài ra còn nhiều đỉnh trong quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn nhỏ trải dài trên địa bàn.

Điều thú vị là tên gọi của những đỉnh núi ở Mẫu Sơn đều liên quan mối oan tình giữa “người Cha”, “người Mẹ” trong câu chuyện của người xưa. Vì vậy mà tại vùng Mẫu Sơn mới có đỉnh Công Sơn hay đỉnh Mẫu Sơn và rất nhiều huyền thoại hiện hữu ở mọi nơi, chẳng hạn như những giọt máu đào của người Mẹ đổ xuống đã rải đỏ trên các triền núi mỗi mùa xuân về, thấm trên những cánh hoa bích đào đỏ thắm. Hay mỗi dòng suối ở đây là máu oan khuất của người Mẹ, nước mắt hối hận của người Cha và thứ nước thấm đẫm mối tình oan khuất, đau khổ này đã làm nên sự nổi tiếng của rượu Mẫu Sơn, làm nên chất lượng tuyệt vời của chè Mẫu Sơn.

Theo người dân bản địa thì những cơn gió bắc lạnh buốt hay những cơn gió nam mang theo hơi ẩm như thể nỗi đau và nước mắt của người Mẹ, người Cha. Còn theo giải thích của quan trắc viên Dương Xuân Thái, khu vực Mẫu Sơn là nơi đón khối gió mùa đông bắc đầu tiên vào Việt Nam. Chính vì vậy, mùa đông nơi đây rất khắc nghiệt và thường xuyên có sương mù, giá buốt. Điều đó khiến công việc của Thái và các đồng nghiệp trên Trạm khí tượng Mẫu Sơn thêm phần vất vả. Thật may khi tôi lên đây vừa đúng lúc chàng trai 32 tuổi đang sắp quan trắc vào 13 giờ theo quy định. Chỉ kịp chuyện trò trong ít phút, Thái dẫn tôi lên vườn quan trắc ở phía sau ngôi nhà sau khi anh đã kiểm tra máy, thêm nước cho ẩm kế, chuẩn bị giản đồ, sổ quan trắc, bút, phương tiện thông tin. Thái cho biết, trình tự quan trắc thường gồm các công đoạn trước giờ tròn từ 11 đến 15 phút, đúng giờ tròn và sau quan trắc, với những việc như quan trắc gió, xác định trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, xác định mây, đọc nhiệt kế khô, xác định thời tiết hiện tại, thời tiết đã qua, quan trắc khí áp… Tất cả đều được tiến hành rất nhanh để hoàn chỉnh số liệu, thảo mã điện để kịp chuyển số liệu không chậm quá 5 phút sau giờ tròn cho Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc tại quận Kiến An (Hải Phòng). Cứ thế thì hằng ngày, một quan trắc viên trực như Thái sẽ phải thực hiện quan trắc vào các khung giờ tròn cố định là 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Ngày thường thì đã quen nhưng mỗi khi mưa, nhiệt độ xuống thấp hay xuất hiện băng giá, tuyết như các năm 2008, 2012, 2016, 2018 và 2021, công việc của họ thật sự vất vả và khó khăn. Thậm chí lúc đó, cả trạm đều túc trực đủ quân số để có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau.   

Nên nói thêm là vào thời điểm tôi lên Trạm khí tượng Mẫu Sơn, dự báo thời tiết trong dịp cuối năm 2020, đầu năm 2021 cho biết, nhiệt độ ở khu vực này có thời điểm xuống 1oC, thậm chí -1oC. Tuy nhiệt độ sau đó chỉ xuống quanh 3 đến 4oC thì khỏi cần nói, tôi cũng có thể hình dung ra hình ảnh Thái, Trạm trưởng khí tượng Hoàng Xuân Huy hay thành viên còn lại là Hoàng Mạnh Hùng sẽ co ro trong giá rét như thế nào khi quan trắc. Bởi ở vườn quan trắc, dù chung quanh đã có ánh đèn điện lung linh của các cơ sở kinh doanh thì vào lúc 19 giờ hay 1 giờ sáng, sương mù rất mịt mờ, rồi tiếng gió rít bên tai như  văng vẳng đâu đây tiếng than vãn, khóc gào bi ai của người Cha sau khi giết nhầm người vợ của mình. Chưa nói đến yêu nghề hay không, nếu họ biết được câu chuyện xưa đó về huyền thoại Mẫu Sơn, hẳn họ phải rất dũng cảm mới có thể một mình chui ra khỏi chăn, xách đèn bước giữa đêm khuya, làm công việc quen thuộc ở độ cao 1.180 m, giữa gió lạnh, giá rét như vậy. Đó là chưa kể tới việc trước khi trạm phát sóng truyền hình được xây dựng ngay gần đó, thì vườn quan trắc là nơi thường xuyên bị sét đánh rất nguy hiểm.

Những người cô độc

Nếu như trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa chỉ có mình anh thanh niên ở trạm khí tượng, thì Trạm khí tượng Mẫu Sơn có ba người. Nói thế không có nghĩa công việc của họ khác nhau, thậm chí còn rất giống nhau bởi ở Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Huy, Hùng và Thái vẫn phải chia nhau ra trực, ít thì một ngày, nhiều thì ba ngày là đổi ca. Và cứ thế, họ một mình trên trạm, rồi đi đi về về giữa TP Lạng Sơn và Mẫu Sơn với quãng đường 30 km trong ít nhất là 10 năm qua. Mặc dù, chung quanh Trạm khí tượng Mẫu Sơn có một số cơ sở kinh doanh và vào dịp cuối tuần, khách du lịch lên đỉnh Pá Sắn nhiều hơn, nhưng thật không dễ dàng khi sống ở một nơi độ ẩm luôn trên dưới 80% như vậy. Nói như Thái, chàng trai sinh năm 1988, thì lúc nào trong phòng họ cũng phải để máy hút ẩm và bật đèn sưởi. Tuy vậy, khu nhà của trạm khí tượng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp như tất cả những ngôi nhà tại đó. Sàn nhà thì luôn như bị đổ nước, các bức tường đã được lát gạch men song rêu vẫn bám đầy.

Dù thế, khi hỏi Thái, Huy hay Hùng, tất cả đều trả lời rằng, họ không thấy công việc của mình buồn tẻ cũng như cảm giác bị lẻ loi trên Trạm khí tượng Mẫu Sơn. Tới đây, tôi lại nhớ tới lời tâm sự chàng thanh niên với người họa sĩ già trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa rằng: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất...”. Được biết, Thái quyết định theo học Khoa Khí tượng thủy văn của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vì một người chú ở gần nhà anh tại TP Lạng Sơn làm trong ngành khí tượng. Còn với Hùng, chàng trai sinh năm 1983 từng đóng quân ở đảo Bạch Long Vĩ thì chỉ một tháng sau khi rời quân ngũ, anh theo học Khoa Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu của Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cùng với người anh em họ sinh năm 1982 là Huy. Tính đến nay, cả hai đều đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề, với Mẫu Sơn, trong khi với Thái thì thời gian công tác ít hơn một chút.

Nói về quãng thời gian nghỉ ngơi giữa những lần quan trắc, cách giúp “giết thời gian” và quên đi sự buồn tẻ, Thái chia sẻ, chỉ có thể tập thể dục, đi dạo chung quanh, xem tin tức hoặc không thì ngủ. Tuy nhiên, một phát hiện thú vị hơn cả là qua mạng xã hội, tôi biết Thái là một YouTuber có rất nhiều người theo dõi trên mạng nhờ các chủ đề về Lạng Sơn như chợ phiên, ẩm thực, lễ hội… cũng như không thể thiếu vùng núi Mẫu Sơn giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.

Giờ thì tôi đã hiểu, chính những điều đơn giản trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày đã giúp ba anh em Huy, Hùng và Thái quên đi rằng, mọi thứ trên Trạm khí tượng Mẫu Sơn thật đơn điệu, nhàm chán bao nhiêu. Nếu có điều gì đó khiến họ gọi là “bệnh nghề nghiệp” thì không phải là các cơn cảm lạnh hay sốt mà là những cơn giật mình  vào 1 giờ sáng, thời điểm họ choàng tỉnh và lên vườn khí tượng, ghi số liệu và báo về trong điều kiện thời tiết giá lạnh, giữa lặng im của đêm tối, giữa những cơn gió ào ào xô tới. 

Vì thế, nếu người họa sĩ già, cô kỹ sư ngưỡng mộ chàng thanh niên trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long bao nhiêu, tôi cũng khâm phục trước những quan trắc viên của Trạm khí tượng Mẫu Sơn bấy nhiêu. Giữa cái lặng im của Mẫu Sơn, vẫn có những con người hăng say làm việc và hết mình vì trách nhiệm. Vậy mới nói, nếu băng giá và tuyết rơi là một trải nghiệm khó quên với khách du lịch đến Mẫu Sơn, thì với tôi, chỉ mong thời tiết đừng khắc nghiệt như vậy, để những quan trắc viên như Huy, Hùng và Thái đỡ vất vả hơn, để bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không phải lo gia súc chết rét hay hoa màu bị hư hại./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục