Hoạt động của ngành

Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 25/03/2024 14:42:43
Số lần đọc: 321
(TITC) - Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đối với ngành du lịch, đến năm 2030, phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Vẻ đẹp Mẫu Sơn. Ảnh sưu tầm

Theo đó, quan điểm phát triển dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế vị trí cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc. Đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh, nhất là kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định giá trị văn hóa, con người là yếu tố nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tăng cường giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, hợp tác quốc tế, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững.

Xác định bảo vệ môi trường, sinh thái là điều kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Phấn đấu đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 6 triệu lượt, trong đó có 4,6 triệu lượt khách nội địa, 1,4 triệu lượt khách quốc tế.

Quy hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Đồng thời, nêu rõ 4 khâu đột phá phát triển, gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số, trở thành vùng đất XANH hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, logistics và vận tải chiếm tỷ trọng lớn.

Về phương hướng phát triển ngành dịch vụ du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng thương hiệu cho du lịch Lạng Sơn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.

Tập trung và nâng cấp phát triển nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, tín ngưỡng; du lịch cửa khẩu; du lịch MICE; các sự kiện văn hóa, thể thao và các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ như khám phá công viên địa chất toàn cầu, vui chơi giải trí, du lịch mạo hiểm, du lịch gắn với kinh tế đêm...

Bên cạnh đó, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là một trong những trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ trọng điểm của tỉnh và vùng Đông Bắc, ứng dụng công nghiệp sạch trong sản xuất, gắn với phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sinh thái.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa các dân tộc; đảm bảo thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản đáp ứng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Tu bổ, bảo tồn các di tích, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với thể thao và du lịch.

Về phương án phát triển khu du lịch, sẽ tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, các khu du lịch cấp tỉnh và một số khu du lịch tiềm năng khi đủ điều kiện. Xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, sân gôn tại các huyện và thành phố Lạng Sơn.

Đối với những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dành cho đối tượng thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; chú trọng thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích sản xuất, hình thành chuỗi liên kết phát triển kinh tế bền vững; hình thành và phát triển vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu có quy mô phù hợp, gắn với phát triển du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 25/3/2024

Cùng chuyên mục