Hoạt động của ngành

Lạng Sơn: “Định vị” thương hiệu cho du lịch cộng đồng

Cập nhật: 15/04/2025 14:02:23
Số lần đọc: 59
Định vị thương hiệu có thể hiểu là việc tạo ra vị thế riêng biệt để bảo đảm khách hàng mục tiêu có thể nhận biết, phân biệt rõ thương hiệu này với các thương hiệu cạnh tranh khác. Thương hiệu điểm đến tốt không những tạo niềm tin, thiện cảm mà còn góp phần tạo động lực để du khách quyết định đi du lịch.


Đại diện tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị của Việt Nam nhận giải thưởng du lịch ASEAN 2025 tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) tại Malaysia

Phát triển du lịch cộng đồng thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh

Những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng trong việc định vị thương hiệu du lịch của tỉnh, đặc biệt là việc xây dựng và khẳng định thương hiệu DLCĐ. Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Những năm qua, việc xây dựng sản phẩm DLCĐ được tập trung đẩy mạnh thông qua các giải pháp như: xây dựng các cơ chế, chính sách, đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 điểm DLCĐ đã được UBND tỉnh công nhận. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch lưu trú (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Nhằm phát triển DLCĐ trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng, tiêu biểu, từ năm 2023, tỉnh đã triển khai xây dựng DLCĐ theo tiêu chuẩn ASEAN tại làng DLCĐ Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn và Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Theo đó, ngành chức năng đã mời Phòng Quản lý lưu trú - Cục Du lịch Quốc gia khảo sát, hướng dẫn ban đầu về các tiêu chí; lựa chọn và hỗ trợ 12 hộ dân tham gia thực hiện mô hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN; tiến hành xây dựng hệ thống bảng biển chỉ dẫn nội bộ tại các điểm DLCĐ; tập huấn 2 lớp cho 110 học viên là thành viên ban quản lý các nghiệp vụ về quản lý điểm du lịch, điều hành chương trình du lịch; hỗ trợ 12 bộ công cụ dụng cụ để chuẩn hóa dịch vụ ăn uống; hỗ trợ xây dựng mô hình dịch vụ trải nghiệm cho du khách…

Với những nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, ngày 21/1/2025, Lạng Sơn đã đạt 2 giải thưởng du lịch quốc tế gồm: Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN - CBT ASEAN dành cho điểm DLCĐ Hữu Liên (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng) và Giải thưởng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - Homestay ASEAN cho Cụm Homestay xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng). Những giải thưởng này không chỉ là niềm tự hào của người dân Lạng Sơn mà còn là động lực để các cấp, ngành và cộng đồng tiếp tục đầu tư và phát triển du lịch một cách bền vững.

Anh Ngô Ất Mão, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng cho biết: Để phát triển homestay đạt chuẩn, từ năm 2022 đến nay, gia đình đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để làm đường, nâng cấp khuôn viên phòng nghỉ tiện nghi hơn và đầu tư thêm một số trang thiết bị hiện đại nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất… nhờ đó, hiện nay, homestay thu hút đông khách du lịch hơn. Gia đình tôi cũng rất vui và tự hào khi trở thành một trong những homestay được nhận giải thưởng homestay ASEAN. Đây là sự khích lệ lớn lao để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ về văn hóa và con người Lạng Sơn.

Sản phẩm DLCĐ được tôn vinh, góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu DLCĐ của tỉnh, thu hút đông đảo du khách. Minh chứng rõ nét nhất là lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng mạnh (gần 2 triệu lượt trong quý I/2025). Trong đó, khách du lịch đến Hữu Lũng đạt trên 295.000 lượt. Riêng khách trải nghiệm, lưu trú tại Làng DLCĐ xã Hữu Liên và xã Yên Thịnh ước đạt trên 45.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch toàn huyện ước đạt 61 tỷ đồng.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Giải thưởng du lịch ASEAN là một cơ hội lớn cho việc quảng bá và phát triển DLCĐ tại huyện Hữu Lũng, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Qua quá trình triển khai, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng như: cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân; chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Đặc biệt, DLCĐ phải gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các loại hình du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút thêm du khách.

Tiếp tục khẳng định thương hiệu

Bước sang năm 2025, nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu đón 4,4 triệu lượt khách du lịch, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch với những nhiệm vụ trọng tâm thu hút khách du lịch. Cụ thể UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2025. Trong số đó, có nhiệm vụ tiếp tục nâng cao, phát triển theo các tiêu chí của làng DLCĐ theo chuẩn ASEAN, đồng thời phát huy nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đối với những huyện đã có các điểm DLCĐ (Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng); tiếp tục tăng cường bố trí vốn đầu tư hạ tầng hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn; có giải pháp cụ thể tuyên truyền, vận động mở rộng quy mô, số hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng.

Đoàn chuyên gia của UNESCO khảo sát một homestay tại Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn

Bà Dương Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Để đáp ứng các tiêu chí làng DLCĐ đạt chuẩn ASEAN, thời gian qua, phòng đã phối hợp với UBND xã Bắc Quỳnh rà soát đánh giá theo các tiêu chuẩn và triển khai cho 5 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay tại điểm du lịch đăng ký xây dựng nhà có phòng cho khách du lịch thuê theo tiêu chuẩn ASEAN; phối hợp tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia xây dựng nhà có phòng cho khách du lịch thuê theo tiêu chuẩn ASEAN và các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay trên địa bàn… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đưa 9 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tham gia tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực DLCĐ đạt tiêu chuẩn ASEAN. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn UBND xã Bắc Quỳnh triển khai thực hiện hoàn thiện tiêu 10 tiêu chuẩn, phấn đấu xây dựng đạt tiêu chuẩn ASEAN theo kế hoạch đã đề ra.

Có thể thấy, các danh hiệu du lịch quốc tế cũng đồng thời tạo ra những áp lực đòi hỏi ngành du lịch tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ từ nhận thức đến hành động, đầu tư hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ để “định vị” thương hiệu mạnh cho du lịch Lạng Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Trên cơ sở các thành tựu xây dựng và phát triển sản phẩm DLCĐ ở Lạng Sơn thời gian qua, việc phát triển sản phẩm DLCĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo cần tập trung theo 2 hướng: làm mới sản phẩm du lịch hiện có, phát triển mới các sản phẩm du lịch. Với hướng thứ nhất, tỉnh cần tiến hành khảo sát khách DLCĐ, nhà quản lý, người dân về mức độ hài lòng và những sáng kiến làm mới sản phẩm du lịch để có căn cứ khoa học và thực tiễn, đảm bảo việc làm mới đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của du khách. Đối với hướng thứ hai tỉnh cần dựa vào kết quả kiểm kê, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch và các định hướng nhóm sản phẩm du lịch theo chủ trương phát triển du lịch của tỉnh để có phương án khai thác và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với các giá trị nguyên bản.

Tin rằng, với chiến lược phát triển bài bản và sự chung tay của cộng đồng, sản phẩm DLCĐ của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Tuyết Mai

Nguồn: Báo Lạng Sơn - baolangson.vn - Đăng ngày 11/4/2025

Cùng chuyên mục