Non nước Việt Nam

Lào Cai: Bình yên trên núi Tơ Phồ Xa

Cập nhật: 02/08/2021 11:28:16
Số lần đọc: 1114
Cách đây khoảng 10 năm, tôi có dịp đến Lao Chải - thôn Hà Nhì xa nhất xã Trịnh Tường, cách trung tâm xã 20 km khi tuyến đường lên đây vẫn là đường đất đá đi lại muôn vàn khó khăn. Hôm nay trở lại, thôn Hà Nhì trên núi Tơ Phồ Xa vẫn còn những ngôi nhà cổ rêu phong, nhưng nhịp sống đã đổi thay rõ nét. Lao Chải đẹp chẳng khác gì Y Tý, du khách qua đây ngỡ đã đến thiên đường mây, có người gọi Lao Chải là Y Tý thứ 2 của Lào Cai.


Thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường vẫn còn những ngôi nhà đất cổ mái rêu xanh tuyệt đẹp

Y Tý thứ 2 của Lào Cai

Từ trụ sở UBND xã Trịnh Tường, nhìn ngược lên phía đỉnh núi Tơ Phồ Xa cao ngất bốn mùa mây phủ trắng xóa ấy là thôn Hà Nhì duy nhất của xã có tên gọi là Lao Chải. Cách đây khoảng chục năm, nhắc đến Lao Chải, người dân Trịnh Tường đều lắc đầu, bảo lên đó phải mất nửa ngày đi xe, cả ngày đi bộ vì đường khó quá, đó cũng là nơi cheo leo, không có sóng điện thoại, chẳng khác gì “ốc đảo” trên đỉnh núi. Sống nơi “ốc đảo” giữa đại ngàn ấy, người Hà Nhì chả mấy người nói được tiếng phổ thông, ngại giao tiếp với người lạ. Khổ nhất là khi có người đau ốm, gia đình phải nhờ thanh niên khỏe mạnh khiêng bằng võng đi 20 km xuống Trạm Y tế xã chữa trị.

Đó là câu chuyện của 10 năm trước, còn bây giờ đường lên Lao Chải đã được trải nhựa như dải lụa uốn quanh những triền núi, muốn lên bản Hà Nhì chỉ mất 1 tiếng đồng hồ đi xe máy. Từ ngày tuyến đường lên Lao Chải được mở rộng, trải nhựa và kết nối với xã Y Tý thì cung đường này là lựa chọn của nhiều du khách, vì lên Y Tý nhanh nhất, dễ đi nhất. Điều đặc biệt là vẻ đẹp hoang sơ của mảnh đất này khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng vì sánh ngang với Y Tý, thậm chí có những nét riêng mà Y Tý cũng phải mơ ước.

Trong khi ở trung tâm xã Trịnh Tường đang nắng nóng với nhiệt độ gần 40 độ C, thì đi khoảng 15 km đến thôn Tả Cồ Thàng, không khí dịu mát hơn và lên tới thôn Lao Chải thì là một vùng khí hậu khác hẳn với phía dưới, thậm chí ngày hè nhiều người vẫn phải mặc áo khoác mỏng, đêm ngủ vẫn phải đắp chăn. Khí hậu ở Lao Chải quanh năm mát mẻ không khác gì Y Tý, còn về mùa đông giá lạnh, có năm tuyết rơi dày đặc. Trò chuyện với tôi, già làng Lý Giá Xe kể lại câu chuyện về trận tuyết rơi kỷ lục tháng 12/2013. Chỉ sau một đêm, tuyết đã phủ trắng núi rừng dày gần 2 m, khiến hơn 50 người dân Lao Chải đi làm nương xuyên khung trên núi Tơ Phồ Xa (còn gọi là núi Lảo Thẩn) bị mắc kẹt, 3 ngày sau mới được giải cứu.

“So với các thôn, bản khác của xã Trịnh Tường, thì Lao Chải là nơi duy nhất vẫn còn những khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ. Cũng vì ở nơi xa xôi giữa đại ngàn với khí hậu mùa đông khắc nghiệt cả tháng sương mù giá lạnh, nên người Hà Nhì ở đây sống quần cư thành 2 xóm cách nhau khoảng 500 m. Để chống lại thú dữ và sương tuyết, người Hà Nhì làm những ngôi nhà 4 mái kín đáo với tường đất dày khoảng 50 cm, ấm về mùa đông, mát về mùa hè”, già làng Lý Giá Xe cho biết.

Dạo quanh bản Hà Nhì, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là được ngắm những ngôi nhà đất cổ đẹp như trong truyện cổ tích. Trong khi ở Y Tý, người Hà Nhì đã thay mái nhà cỏ bằng tấm lợp xi măng hoặc mái tôn, thì điều đặc biệt ở đây là vẫn còn một số ngôi nhà cổ có mái cỏ mọc rêu xanh rì tuyệt đẹp. Trước đây, khi lập làng, những người Hà Nhì đầu tiên đã chọn nơi này để định cư vì đất đai rộng rãi, nguồn nước dồi dào, cũng là nơi có địa thế và phong cảnh tuyệt đẹp.

Lao Chải tựa lưng vào rừng già, nhìn lên là 3 dãy núi chạy song song, trong đó có đỉnh Tơ Phồ Xa cao nhất vùng. Từ Lao Chải, nhìn ra phía trước là bát ngát màu xanh của những triền ruộng bậc thang uốn lượn quanh các ngọn đồi thấp và thung lũng Tùng Chỉn, xa nữa là dòng sông Hồng từ A Mú Sung chảy về với khúc quanh như hình chữ S và dãy núi lớn phía Trung Quốc như bức trường thành khổng lồ. Có những hôm, cả thung lũng phía dưới Lao Chải là một biển mây bồng bềnh, trắng xóa. Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa hoang sơ, vừa thơ mộng. Chính những điều này khiến nhiều du khách đến đây mê mẩn, gọi Lao Chải là Y Tý thứ 2 của Lào Cai.

Đổ bê tông đường ngõ xóm.

Người Hà Nhì giữ đất, giữ làng

Nói thêm về câu chuyện lập làng của người Hà Nhì ở Lao Chải, già làng Lý Giá Xe cho biết: Từ hàng trăm năm trước, nơi đây là vùng đất hoang vắng chỉ có hơn chục hộ người Hà Nhì sinh sống. Về sau, một số hộ người Hà Nhì từ thôn Lao Chải, xã Y Tý thấy vùng đất này cây cối xanh tươi, đất đai màu mỡ, suối chảy ào ạt bốn mùa nên đã di chuyển sang thành lập thêm một xóm Hà Nhì mới. Thôn Lao Chải hôm nay đông vui với hơn 100 hộ người Hà Nhì.

Những năm gần đây, khi có thông tin về quy hoạch đô thị du lịch Y Tý và xây dựng Y Tý trở thành thị trấn du lịch, không ít du khách khắp nơi và những người đầu tư bất động sản đã kéo lên Y Tý tìm mua đất để đón đầu cơ hội kiếm tiền hoặc để sở hữu mảnh đất mơ ước giữa thiên đường mây trắng. Ở các thôn, bản Hà Nhì, tuy đất không có “bìa đỏ” nhưng được trả giá cả trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ nên người dân vẫn ngầm bán. Thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường chỉ cách thôn Phìn Hồ, xã Y Tý khoảng 5 km nên cũng nằm trong “tầm ngắm” của nhiều “cò đất”. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù trả giá cao đến đâu nhưng không ai có thể mua được một mét vuông đất trong làng người Hà Nhì ở đây. Chính vì thế, làng Hà Nhì vẫn là nơi quần cư của người Hà Nhì, không có người nơi khác đến ở. Câu chuyện này khiến chúng tôi tò mò không biết điều gì đã giúp người Hà Nhì ở đây thắng được cám dỗ của đồng tiền?

Tôi gặp Sần Thó Suy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trịnh Tường, cũng là người con của bản Hà Nhì nơi đây khi anh đang huy động đoàn viên, thanh niên đổ bê tông đường lên ngôi nhà cổ giúp một hộ đặc biệt khó khăn ở Lao Chải. Hỏi về chuyện này, Suy giải thích: Ngay từ khi lập làng đã quy định, đất trong làng thuộc sở hữu chung, mọi gia đình có thể chọn bất kỳ nơi nào để làm nhà cho con cháu nhưng tuyệt đối không được phép bán cho người ngoài. Người ngoài làng cũng không thể đến đây ở khi làng chưa cho phép. Điều này giúp giữ gìn không gian văn hóa và bản sắc riêng của người Hà Nhì, không để pha tạp với các dân tộc khác. Người Hà Nhì có tính cộng đồng cao và tính cố kết cộng đồng, nên quy định này rất được tôn trọng, ít khi có người vi phạm.

Anh Suy còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện năm 2020 có một hộ bất chấp quy định của làng bán ngôi nhà cổ cho một người dưới chợ Trịnh Tường. Ngay khi biết chuyện, dân làng đã yêu cầu chủ nhà phải lấy lại ngôi nhà và không cho người lạ đến ở trong làng. Không còn cách nào khác, chủ ngôi nhà cổ đành phải mua một mảnh đất khác ngoài thôn Lao Chải trả cho người kia. Từ sau sự việc đó, không ai trong làng còn ý định bán đất, bán nhà cho người nơi khác đến.

Đến thôn Lao Chải hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét. Lao Chải không còn là “ốc đảo” heo hút giữa đại ngàn. Tuyến đường qua thôn được mở rộng nối với Y Tý đã kết nối hai vùng đất, hàng ngày ô tô, xe máy qua lại nhộn nhịp, nhất là những ngày cuối tuần. Nhiều du khách qua đây đều dừng chân chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm ở làng Hà Nhì bình yên, xinh đẹp. Bà con người Hà Nhì đã cởi mở hơn với khách, tất cả trẻ em được đến trường học, trong đó nhiều học sinh đi học đại học, cao đẳng.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, làng Hà Nhì trở nên khang trang hơn với những ngôi nhà mới mọc lên, những đoạn đường liên gia đổ bê tông sạch sẽ. Ở xóm Lao Chải trên, bên cạnh những ngôi nhà đất truyền thống đã có cả những ngôi nhà xây, lợp mái tôn, cả những ngôi nhà 2 tầng kiên cố theo kiến trúc hiện đại ở phố. Những ngôi nhà ấy sẽ giúp cho cuộc sống của bà con sẽ tiện nghi hơn, không gian rộng rãi, thoáng mát hơn khi ở trong nhà đất mái cỏ, song nhiều người vẫn tiếc nuối giá như thôn giữ được những ngôi nhà đất truyền thống thì sẽ tạo thành nét riêng độc đáo cho vùng đất này, góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững về sau. Người dân thôn Lao Chải giúp nhau đổ bê .

Tuấn Ngọc

 

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT