Bắc Giang: Chùa Vĩnh Nghiêm - một ''bảo tàng'' văn hóa Phật giáo
Cổng chùa Vĩnh Nghiêm.
"Trường đại học Phật giáo" thời Trần
Chùa Vĩnh Nghiêm (hay chùa Đức La) cách trung tâm thành phố Bắc Giang 18km, nằm ở ngã ba Phượng Nhỡn - nơi hội tụ sông Thương và sông Lục Nam. Theo từ điển “Phật học Việt Nam”, chùa Vĩnh Nghiêm được dựng thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028) và có tên gọi là chùa Chúc Thánh. Đến triều vua Trần Nhân Tông (1279 - 1308), ngôi chùa được mở mang, xây dựng khang trang, đổi tên thành Vĩnh Nghiêm tự và trở thành trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt. gắn liền với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, nằm trong khuôn viên rộng 1ha, gồm các công trình kiến trúc: Tam quan, tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị và khu vườn tháp. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa vẫn giữ được cảnh quan đẹp mà tấm bia "Vĩnh Nghiêm công đức tự bi" dựng năm 1606 mô tả: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng giữa một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc... Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.
Ngoài những giá trị độc đáo về kiến trúc, chùa Vĩnh Nghiêm còn được coi là một bảo tàng văn hóa Phật giáo với hệ thống hiện vật cổ quý giá. Đó là hơn 100 pho tượng thờ bằng gỗ và đất được chạm khắc tinh xảo, hệ thống văn bia thời Lê - Nguyễn cùng các hoành phi, câu đối...
Đặc biệt, phải kể đến kho mộc bản kinh Phật do các thiền sư tổ chức san (khắc) từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, trong đó có 3.050 ván rời khắc âm bản chữ Nôm và chữ Hán. Bộ mộc bản duy nhất này là tài liệu truyền bá tư tưởng cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm và đạo Phật. Năm 2012, Tổ chức UNESCO đã công nhận hệ thống mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không chỉ là một “bảo tàng” lưu giữ các di sản văn hóa, chùa Vĩnh Nghiêm còn được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta, là chốn tổ quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây là nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ": Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330), Huyền Quang (1254 - 1334) từng trụ trì, lập nên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam và mở trường thuyết pháp. Suốt chiều dài lịch sử của mình, chùa Vĩnh Nghiêm đã đào tạo rất nhiều tăng đồ, góp phần lan tỏa tư tưởng tốt đẹp của Thiền phái Trúc Lâm và hòa cùng dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch
Trong những năm qua, Bắc Giang đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị chùa Vĩnh Nghiêm. Tháng 5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn nguyên trạng cấu trúc của khu chùa chính, tu bổ, tôn tạo các hạng mục kiến trúc gốc trong khu nội tự... Bên cạnh đó, quy hoạch cũng nhấn mạnh việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch nhằm đưa chùa Vĩnh Nghiêm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, du khách.
Cũng theo quy hoạch, các sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch lịch sử - văn hóa tìm về cội nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề; mục tiêu đặt ra là kết nối chùa Vĩnh Nghiêm với các điểm di tích liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm ở Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong tỉnh để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Bắc Giang.
Nhận xét về tiềm năng phát triển du lịch của chùa Vĩnh Nghiêm, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: “Với bề dày lịch sử cùng những giá trị văn hóa, cảnh quan độc đáo, hấp dẫn, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những điểm đến quan trọng của tỉnh Bắc Giang. Để thu hút du khách, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, dịch vụ tại địa phương có thể tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành tại Hà Nội và các tỉnh lân cận xây dựng những tour chuyên biệt gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan một số làng nghề truyền thống như làng gốm Thổ Hà, làng mây tre đan Tăng Tiến, làng bún Đa Mai... Sau dịch Covid-19, đây chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch nội địa”.
Hương Thanh