Lào Cai: Nghề dệt thổ cẩm của người Tày vùng Nghĩa Đô
Nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa Đô đã có từ lâu đời. Theo lời kể của các bậc cao niên trong các bản Tày thì từ khi người Tày về định cư ở Mường Luông (tên gọi xưa của Nghĩa Đô), nghề dệt thổ cẩm đã bắt đầu được hình thành và phát triển.
Ban đầu, dệt thổ cẩm chỉ là để tự cung, tự cấp, may mặc thêu thùa để lấy quần áo, váy mặc hằng ngày. Về sau này, khi dân cư đông đúc, cuộc sống phát triển thì dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề và trở thành một nét văn hóa mang bản sắc của người Tày nơi đây.
Truyện kể rằng, xa xưa, có gia đình ông bà Tùy đến định cư ở đất Mường Luông, đã lấy về trồng thử giống cây bông, sau một thời gian, cây bông phát triển tốt và cho nhiều bông. Ông bà Tùy cùng gia đình bắt tay vào công việc dệt bông thành vải để sử dụng. Gia đình ông bà Tùy đã nhân giống hạt bông cho dân bản trồng, truyền dạy cho những phụ nữ trong bản nghề dệt vải, dệt thổ cẩm. Từ đó, nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa Đô được hình thành, phát triển cho đến ngày nay.
Phụ nữ Tày Nghĩa Đô bên khung cửi.
Bà Nguyễn Thị Sinh (bản Nà Khương, Nghĩa Đô) chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Tày Nghĩa Đô. Dệt vải, dệt thổ cẩm vừa để tự cung tự cấp, làm quần áo mặc hằng ngày, dùng làm chăn đắp ấm vào mùa đông giá lạnh, vừa tạo ra hàng hóa để trao đổi, mua bán với thị trường gần xa. Nghề này mang tính phổ thông và cộng đồng cao vì ai cũng có thể học và làm được, nghề không đòi hỏi máy móc hiện đại mà chỉ cần khung cửi, sự khéo léo, kiên trì và óc sáng tạo của con người”.
Xưa kia, ở Nghĩa Đô, dù nhà giàu hay nhà nghèo thì trong nhà phải có khung cửi dệt thổ cẩm. Khi ấy, việc mua sợi, mua chỉ màu hết sức khó khăn. Người dân phải lặn lội ra tận Phố Ràng hay chợ tỉnh Lào Cai hoặc sang Hà Giang để mua về những sợi màu như ý. Nếu khó khăn quá, người dân phải dùng chỉ để nhuộm màu từ các vỏ cây để tạo màu cho hài hòa. Dệt thổ cẩm ở Nghĩa Đô luôn gắn với người phụ nữ, nhất là những thiếu nữ chuẩn bị lấy chồng.
Theo quan niệm của người Tày Nghĩa Đô, các cô gái Tày trước khi về nhà chồng phải biết thêu thùa, may áo và đặc biệt phải biết dệt thổ cẩm. Tục ngữ Tày Nghĩa Đô có câu: “Phụ nữ không biết dệt mặt chăn thổ cẩm/Khác gì nuôi ngựa cái chỉ biết thồ”. Do vậy, khi đến tuổi trưởng thành, người bà, người mẹ trong gia đình rất chú ý việc truyền dạy cho các thiếu nữ Tày dệt thổ cẩm. Có đến hàng tháng, các cô gái Tày không phải ra đồng áng hay lên núi mà chỉ ngồi ở nhà học dệt và làm thổ cẩm. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Tày phải tự tay mình dệt những vật kỷ niệm như: khăn, gối, chăn và dệt tặng cho bố mẹ chồng.
Sản phẩm thổ cẩm đang phục vụ hiệu quả cho du lịch cộng đồng Nghĩa Đô.
Cầm tấm thổ cẩm của người Tày trên tay, du khách sẽ cảm nhận được sự đa dạng, phong phú về màu sắc, đường nét và cảm những hình thù trên hoa văn, tạo ấn tượng mạnh với hoa văn, họa tiết đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, vũ trụ, triết lý âm dương, ngũ hành…
Gam màu chủ đạo trong tấm thổ cẩm truyền thống ở Nghĩa Đô là hai màu trắng (nả phá dăng khao) và đen (nả phá dăng đăm). Màu trắng tự nhiên của bông và màu đen từ nước cây chàm. Với người Tày Nghĩa Đô, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm hình chữ nhật, chữ đinh, kết hợp các ô hình quả trám, tam giác, hình con rùa.
Bên cạnh đó, người Tày rất chuộng các màu: trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… Các màu sắc này đều được chiết xuất từ cây lá tự nhiên trên núi rừng, trong vườn nhà. Như màu xanh, đen, tím lấy từ chất liệu cây chàm. Màu tím có sự kết hợp giữa chàm và củ nâu, màu đỏ từ cây dương xỉ, màu vàng từ củ nghệ. Họa tiết chủ đạo là hệ thống sợi nhiều màu tạo nên các loại hoa theo 12 kiểu hoa.
Lời hát yếu của đồng bào Tày Nghĩa Đô có những câu ca ngợi vẻ đẹp của những tấm chăn thổ cẩm: “Em gái làm được nhiều chăn hoa/Anh tìm từ lâu nay mới gặp/Em gái có nhiều tấm chăn hoa/Ở tận nơi đâu anh cũng tìm bằng được/Em gái có chăn hoa cây thản/Có trốn khắp bản anh cũng đi theo/Em gái có chăn hoa con rùa/Bố mẹ em đêm chó về đuổi anh cũng lên/Em gái có chăn hoa con trăn/Bỏ cả nhà anh đi tìm bằng được/Em gái có chăn hoa quả cà/Dù có trời dăng sét đánh anh vẫn tìm ra/Em giá có chăn hoa cây phay/Bố mẹ em cầm gậy đón đánh anh cũng đến/Em gái có chăn hoa quả xổ/Nước lũ ngập đồng anh vẫn sang/Em gái có chăn hoa cây mạ/Dù xa bản xa mường anh cũng đến” (Nghệ nhân Ma Thanh Sợi sưu tầm).
Để dệt nên những tấm thổ cẩm như ý, các gia đình người Tày Nghĩa Đô đã dày công chuẩn bị cho mình những bộ khung cửi. Có bộ phận của khung cửi, mỗi bộ phận có một chức năng dệt như: khau, phứm (mắc cửi), ống bu, cút nả phá (guột), que tép đan hoa, con thoi, cán cáng (cần cầu), lép mở, lép cuốn. Người dệt phải trải qua các công đoạn rất cần sự kiên trì, khéo léo như mắc lót sợi nền, kéo sợi dệt lên khuôn, đan nền hoa, luồn sợi vào nền, dệt hoa kép... Không chỉ dệt thổ cẩm cho gia đình, người Tày Nghĩa Đô còn làm thổ cẩm để bán ra thị trường. Chẳng thế mà vào những buổi chợ phiên Nghĩa Đô, người dân mang ra chợ bán những tấm thổ cẩm dùng làm chăn, đệm hay gối rực rỡ màu sắc và hoa văn họa tiết tinh xảo.
Bản nhà sàn Nghĩa Đô, không gian sản sinh ra nghề dệt thổ cẩm.
Dệt thổ cẩm đối với người Tày Nghĩa Đô là cả sự truyền vào những đường nét, hoa văn cả tấm lòng và quan niệm nhân sinh của đồng bào mình. Hiện nay, tuy xã hội phát triển mạnh mẽ, người Tày Nghĩa Đô vẫn giữ được nét phong tục dệt thổ cẩm truyền thống như một niềm tự hào về nguồn cội truyền thống của dân tộc mình: “Nhà người mẻ cất, mẻ căng/Nhà mình khung dệt kềnh càng dựa phên” (Tục ngữ Tày Nghĩa Đô).
Tuy nhiên, nghề này đã và đang bị mai một do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó, quan trọng nhất là công nghệ may mặc thêu thùa đã dần lấn áp việc dệt thủ công của đồng bào Tày. Người dân có thể mua sẵn những tấm thổ cẩm ngoài thị trường với giá rẻ và không tốn công thêu thùa nhiều.
"Ngày 9/9/2021 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Thổ cẩm truyền thống góp phần quan trọng trong chương trình phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô hiện nay. Sản phẩm thổ cẩm là món quà lưu niệm có giá trị vật chất và tinh thần cho du khách mọi miền mỗi khi dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất này. Điều đó cũng đặt ra vấn đề là cần gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm nơi đây”, ông Ma Tấn Côn, Phó ban Tuyên vận xã Nghĩa Đô chia sẻ.
Dừng chân ở nhà sàn người Tày Nghĩa Đô hiện nay, trên góc mỗi căn nhà sàn vẫn còn lưu giữ khung cửi dệt thổ cẩm. Điều đó cho thấy, đồng bào vẫn ngày đêm lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống vượt thời gian của đồng bào Tày Nghĩa Đô, đây là nghề hội tụ phẩm chất tốt đẹp, sự sáng tạo cùng những quan niệm mang triết lý nhân sinh sâu sắc.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng