Non nước Việt Nam

Thường Tín phát huy thế mạnh làng nghề

Cập nhật: 22/11/2021 08:17:24
Số lần đọc: 975
Những năm qua, cùng với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, Thường Tín còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá nhân tham gia đánh giá xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ phân loại, xếp hạng sao, đến nay, nhiều sản phẩm của huyện Thường Tín đã phát huy được thế mạnh, khẳng định ưu thế tại thị trường trong và ngoài nước.


Ảnh internet

Năm 2019, Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) có 2 sản phẩm là hộp sơn mài gắn trai và hộp sơn mài gắn sừng được thành phố xếp hạng OCOP 4 sao. Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy Đỗ Hùng Chiêu cho biết, làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) là làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Trước đây, tranh sơn mài chủ yếu được vẽ trên chất liệu gỗ dán Cầu Đuống phục vụ khách hàng trong nước. Những năm trở lại đây, nghề sơn mài phong phú hơn, ngoài gỗ dán trong nước, gỗ MDF (cả trong nước và nhập khẩu), Công ty An Huy còn nhập gỗ dán Đài Loan. Sản phẩm sơn mài cũng mở rộng trên nhiều chất liệu: Tre, giấy ép, gốm sứ, vỏ trứng, vỏ trai, sừng trâu, bạc, vàng... Đặc biệt, nguyên liệu để chế tạo là sơn tự nhiên, sơn hạt điều, đất phù sa sông Hồng, bột đá, mùn cưa nên sản phẩm chinh phục được thị trường trong nước và xuất bán tới nhiều nước trên thế giới.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, Chương trình OCOP là nguồn lực để Thường Tín phát huy thế mạnh từ các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2019-2020, huyện có 103 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm đạt 4 sao, trong đó nhóm rau, thực phẩm có 48 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí 55 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương phát huy tiềm năng. Năm 2021, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình OCOP năm 2021. Theo đó, huyện rà soát hơn 50 sản phẩm tiềm năng, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng. Dự kiến, 30-50 sản phẩm tham gia được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để thúc đẩy quảng bá sản phẩm OCOP, huyện đang xây dựng, khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Vồi (xã Hà Hồi) và xã Duyên Thái.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, Chương trình OCOP bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các địa phương nhận rõ lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Về phía huyện, Thường Tín đang tiếp tục tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia phân loại, đánh giá và xếp hạng sao, đồng thời đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm được xếp hạng OCOP, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 hướng dẫn các xã, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, chuẩn hóa sản phẩm, đánh giá phân hạng cho khoảng 150 sản phẩm tiềm năng...

Đào Huyền

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT