Tin tức - Sự kiện

Lễ hội đậm đà bản sắc các dân tộc trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai)

Cập nhật: 04/06/2019 14:49:46
Số lần đọc: 1145
“Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà - Biểu trưng của sự đa dạng văn hóa và đoàn kết dân tộc" là chủ đề chính của Festival “Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2019” diễn ra từ ngày 01 đến 09/6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Festival hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, độc đáo và đậm đà bản sắc các dân tộc trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà.

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống

Bắc Hà là một huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai. Bắc Hà có khí hậu ôn hòa, trong lành, mát mẻ quanh năm, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Bắc Hà cũng là địa bàn cư trú lâu đời của 14 dân tộc tiêu biểu như người Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, La Chí... tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bắc Hà còn nổi tiếng với chợ phiên Bắc Hà - một trong số những phiên chợ lớn nhất của vùng cao biên giới. Phiên chợ họp vào Chủ nhật hằng tuần, đầy ắp sắc màu đến từ trang phục của các dân tộc bản địa với những sản vật địa phương, những đặc sản Tây Bắc, trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm...

Bên cạnh đó, Bắc Hà còn có một số di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch như: Dinh Hoàng A Tưởng - dinh thự của hai cha con thổ ti Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng; đền Bắc Hà - nơi thờ hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã có công đánh giặc, bình ổn vùng biên giới Tây Bắc; di chỉ thành cổ Trung Đô (xã Bảo Nhai); làng sinh thái người Mông và hang Rồng (xã Tả Van Chư); các làng nghề thổ cẩm... đã tạo ra sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, trải nghiệm. 

Bắc Hà còn là một trong những vùng trồng mận lớn của cả nước. Cũng giống một số nơi được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, mát mẻ, Bắc Hà phát triển mạnh trồng mận tam hoa cho năng suất cao, giúp đồng bào các dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tháng giêng nếu có dịp ghé Bắc Hà, du khách sẽ thấy khung cảnh vô cùng đẹp mắt khi cả thung lũng Bắc Hà nở trắng hoa mận. Màu trắng tinh khôi của hoa mận hòa tiệp với màu mây trắng như đưa Bắc Hà vào không khí đậm chất huyền thoại. Vì thế, người ta đặt cho Bắc Hà cái tên là “cao nguyên trắng”. Cùng với rượu ngô Bản Phố, mận tam hoa trở thành một trong những đặc sản trong văn hóa ẩm thực của rẻo cao Bắc Hà.

Phát triển du lịch “cao nguyên trắng”

Với mong muốn giới thiệu, quảng bá một vùng đất giàu tiềm năng cùng những sản vật, giá trị truyền thống của các dân tộc vùng cao Bắc Hà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với UBND huyện Bắc Hà tổ chức chương trình Festival “Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2019”, với nhiều chương trình đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai như: Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà; trưng bày triển lãm ảnh với chủ đề “Vó ngựa cao nguyên trắng”; tổ chức Ngày hội mận, tour du lịch đạp xe tham quan và hái mận; trải nghiệm thung lũng hoa Bắc Hà lễ hội hoa hồng - rượu vang và trải nghiệm các hoạt động tại Dinh thự Hoàng A Tưởng; giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà năm 2019; thăm các làng du lịch cộng đồng...

Trong đó, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng “Vó ngựa cao nguyên trắng” là hoạt động chính, đặc sắc nhất của Festival “Cao nguyên trắng Bắc Hà 2019”. 

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, Festival được tổ chức trên cơ sở kế thừa và nâng tầm chương trình đua ngựa hàng năm thành lễ hội văn hóa cộng đồng; là nơi hội tụ giao lưu nghệ thuật, văn hóa các dân tộc. Qua đó, giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung; đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương. 

Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc vùng núi huyện Bắc Hà nói riêng và cả vùng cao Tây Bắc nói chung. Điểm đặc biệt của giải đua ngựa trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà đến từ đội ngũ vận động viên và ngựa. Những vận động viên - nài ngựa cũng chính là người dân tộc bản địa, quanh năm quen với nghề làm nông nghiệp đồi rừng.

Các chàng trai người dân tộc thiểu số chân chất, thật thà, chân đi dép lê bước vào cuộc đua thật bản lĩnh bởi không áo bảo hộ, chỉ có độc chiếc mũ bảo hiểm xe máy đội trên đầu... Còn ngựa dùng để đua chính là ngựa thồ hàng, thồ lúa, ngô... không có yên cương, không bàn đạp giữ chân mà chỉ có đai buộc ngựa, hai móc sắt buộc vào dây hai bên hàm để điều khiển. Tuy nhiên, chính sự không chuyên nghiệp của giải đấu đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. 

Năm 2019, giải đua ngựa truyền thống mở rộng “Vó ngựa cao nguyên trắng” tổ chức tranh giải cá nhân và đồng đội; thi đấu vòng loại, vòng bán kết và chung kết. Kết quả được tính bằng thời gian ngựa cán đích ở các lượt đua./.

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT