Tin tức - Sự kiện

Lễ hội hoa Tam giác mạch Hà Giang lần thứ VI với chủ đề "Sắc hoa cao nguyên đá" sẽ diễn ra từ ngày 27-29/11/2020

Cập nhật: 24/11/2020 14:47:31
Số lần đọc: 841
(TITC) – Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang, “Lễ hội hoa tam giác mạch” lần thứ VI sẽ được tổ chức từ ngày 27-29/11/2020 với chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá”. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 28/11/2020 tại quảng trưởng 26/3, thành phố Hà Giang. Lễ hội năm nay còn được tổ chức lồng ghép với nhiều hoạt động đặc sắc nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Chính vì vậy, lễ hội lần này không chỉ giới thiệu về một loài hoa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Hà Giang mà còn là dịp để Hà Giang giới thiệu những giá trị di sản địa chất độc đáo và nét văn hóa đặc sắc của của đồng bào các dân tộc gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Điểm nổi bật của lễ khai mạc chính là chương trình nghệ thuật “Hoa trên đá” sẽ diễn ra vào tối 28/11.Chương trình được thực hiện tại hai điểm cầu: Sân khấu chính tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang) và phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn). Với âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình nghệ thuật hứa hẹn sẽ giới thiệu đến khán giả một Hà Giang đổi mới, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn các giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng cao núi đá. Đặc biệt, chương trình sẽ được phát trực tiếp trên sóng truyền hình và các nền tảng số của tỉnh Hà Giang để những người con xa xứ, những du khách chưa có cơ hội đến thăm vùng đất này cũng được ngắm nhìn vẻ đẹp của lễ hội hoa Tam giác mạch.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Giải đua xe địa hình với chủ đề “Tinh thần đá” đã được tổ chức tại huyện Yên Minh vào ngày 21/11. Giải đua thuyền kayak, sup trên sông Miện và hội thi dù lượn “Bay trên cao nguyên đá” đã được tổ chức tại huyên Quản Bạ vào ngày 21/11. Nhân dịp khai mạc lễ hội, từ ngày 27-29/11 còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan văn hóa ẩm thực, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, triển lãm ảnh đẹp tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm khác như: Hội thi làm bánh tam giác mạch, trình diễn nghề dệt trang phục truyền thống, chế tác và biểu diễn khèn Mông…

Trong thời gian này, du khách từ muôn phương lại nườm nượp tìm về Hà Giang, về với Cao nguyên đá Đồng Văn để ngắm nhìn và tham gia trải nghiệm các hoạt động của lễ hội. Trong bối cảnh du lịch đang từng bước phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự kiện này sẽ góp phần tích cực vào hoạt động kích cầu du lịch nội địa, thúc đẩy du lịch của địa phương.

Để lễ hội diễn ra thành công, tỉnh Hà Giang đã gieo trồng 398ha hoa Tam giác mạch, (trong đó huyện Quản Bạ 70ha, huyện Yên Minh 28ha, huyện Đồng Văn 250ha và huyện Mèo Vạc 50ha). Hoa được gieo trồng thành 3 đợt tập trung để đảm bảo nở rộ vào đúng tuần khai mạc và kéo dài đến hết tháng 12/2020.

Các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, chống hàng giả cũng được đặc biệt quan tâm triển khai trong dịp này.

Truyền thuyết về loài hoa Tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời.

Ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy vẻ đẹp của loài hoa này có thể đem lại giá trị cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền, vận động bà con người Mông cùng tham gia trồng hoa tam giác mạch. Đồng thời, Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng được tổ chức hằng năm để thu hút du khách.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT