Non nước Việt Nam

Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cập nhật: 08/12/2022 09:08:56
Số lần đọc: 723
Vào tháng 12 hằng năm, đồng bào Gia Rai tỉnh Gia Lai lại tổ chức Lễ mừng lúa mới, một trong những lễ hội độc đáo của dân tộc mình. Lễ mừng lúa mới được tổ chức sau khi thu hoạch xong vụ mùa với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của các thần linh (Yang) ban cho dân làng và cầu mong các thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc.

Chuẩn bị cho lễ mừng lúa mới. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Đây là dịp để bà con buôn làng tổ chức dâng lễ, tạ ơn thần Lúa, thần Nông nghiệp vì đã cho một vụ mùa ấm no.

Trước khi lễ hội diễn ra, người dân làng sẽ cùng nhau đóng góp các sản vật chung để làm lễ. Thông thường, mỗi hộ dân góp 1kg gạo mới, 1 ghè rượu để chuẩn bị cho việc cúng lễ.

Vào ngày diễn ra lễ hội, các già làng đã thức dậy từ mờ sáng sửa soạn, chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng nhất trong năm. Thanh niên, phụ nữ mặc những bộ đồ đẹp nhất, chuẩn bị rượu thịt sẵn sàng, ai cũng vui vẻ, hồ hơi hơn ngày thường. Tất cả dân làng quây quần về nhà rông, trong tiếng cồng, tiếng chiêng cùng điệu múa xoang.

Lễ vật cho Lễ mừng lúa mới gồm: một con heo hoặc một con gà trống (nếu cúng con gà thì cơm, rượu mỗi thứ một chén, một ché); ba ché rượu; Cơm ba chén; Rượu ba chén; một cây nêu; một chòi lúa; một bó lúa còn nguyên hạt; một thúng lúa; Nia một cái, thúng một cái, đĩa ba cái, chén sáu cái, liềm một cái, gùi ba cái.

Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, già làng khấn cầu mong thần linh (Yang ơi kơdu, ơi kơdai, yang chứ, yang ia) và linh hồn ông bà tổ tiên ăn cơm mới phù hộ cho dân làng được mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, năm sau thu hoạch nhiều hơn năm trước, lúa đầy chòi bắp đầy nhà.

Lễ cúng mừng lúa mới được đồng bào Gia Rai tổ chức tại ba nơi: cúng ở rẫy lúa, cúng ở chòi lúa và cúng ở nhà chủ lúa.

Lễ cúng tại rẫy lúa. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Lễ cúng mừng lúa mới tại rẫy lúa có lễ vật gồm một chóe rượu, một con gà.Thầy cúng chạm bảy lần vào chóe rượu để dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần (thần đất, thần trời, thần nước, thần nuôi dưỡng, thần che chở, thần bảo vệ, thần lúa) cho những loại giống lúa (lúa trô, blia, chke…) cho lúa mau chín, cho lúa thơm ngon.

Sau khi dâng lễ xong đến với phần mời rượu, theo phong tục tập quán của người Gia Rai là mẫu hệ, chính vì vậy nguời được mời rượu đầu tiên là người phụ nữ trong nhà (mời vợ và mẹ vợ chủ lúa cùng uống), tiếp theo mời chủ lúa và anh của vợ chủ lúa, sau đó lần lượt khách đến dự từ lớn đến nhỏ cùng uống rượu.

Sau đó là lễ cúng mừng lúa mới tại chòi lúa: lễ vật gồm một chóe rượu, một đầu gà, thầy cúng dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần để tạ ơn các thần đã che chở cho cây lúa, che chở cho gia đình chủ lúa được mạnh khỏe, xin phép các thần cho chủ lúa được thu hoạch, xin được rước hồn lúa vào chòi để cất giữ. Sau khi dâng lễ xong, đến phần mời rượu cũng tương tự như lễ cúng tại rẫy lúa. Kết thúc lễ cúng tại chòi lúa, dân làng thực hiện việc tuốt lúa đưa cất vào chòi lúa.

Cuối cùng là lễ cúng mừng lúa mới tại nhà chủ lúa. Lễ vật gồm ba chóe rượu, một con heo. Thầy cúng dâng lễ và cầu khấn bảy vị thần xin phép các thần cho gia đình được rước hồn lúa và lúa về nhà. Sau khi dâng lễ xong, tiếp tục đến phần mời rượu cũng tương tự như hai lễ cúng trên. Chóe rượu thứ 1, đầu tiên là người vợ, mẹ vợ, mẹ của chủ lúa cùng uống một lúc, tiếp theo đến chủ lúa, anh vợ chủ lúa cùng uống rượu, sau khi anh vợ uống xong thì lấy một đùi trước của con heo trao cho thầy cúng để tạ ơn thầy cúng. Chóe thứ 2, mời người bác vợ của chủ lúa và người bác của chủ lúa để tỏ lòng biết ơn hai người bác. Chóe rượu thứ 3, mời thầy cúng để tỏ lòng biết ơn.

Sau khi dâng lễ xong, mọi người trong gia đình cùng nhau uống rượu. Tất cả nam, nữ cùng nhau thực hiện việc tuốt lúa để đưa cất vào chòi lúa tại rẫy. Phần hội được bắt đầu ngay sau phần lễ rước hồn lúa về kho, người dân tổ chức giã gạo để lựa ra những hạt gạo tốt nhất. Trong ngày vui này, người dân khắp các buôn làng cùng nhau hòa mình trong những điệu nhảy truyền thống bên cạnh tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, vang vọng cả một góc trời.

Sau khi kết thúc các nghi lễ cúng, dân làng cùng nhau đánh chiêng uống rượu và nhảy múa cho đến tối trong không khí vui tươi, phấn khởi mừng lúa mới.

Những lễ hội truyền thống như thế này hiện đang được tái hiện trong nhiều sự kiện tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tham dự các lễ hội, khách du lịch không chỉ được chiêm ngưỡng nhưng nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Gia Rai, mà còn được hiểu thêm về những nghi thức tín ngưỡng, tâm linh của bà con.

Linh Khánh

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 07/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT