Hành trang lữ khách

Leo núi ở Sơn Dương - Quảng Ninh

Cập nhật: 20/06/2023 15:09:15
Số lần đọc: 1005
Nằm xoải dài bên bờ vịnh biếc, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh gối đầu êm đềm trên những dãy núi cao mơ màng sương khói. Giữa những sơn lam thủy tú ấy là những bản làng, thôn xóm bình yên bên những khe suối, cánh rừng. Xã Sơn Dương là một trong những xã vùng cao nằm trong những thung sơn như thế.


Sơn Dương có lựng Húng Mò
Có đồi Vua Ngự, có chùa Vân Phong...

Từ xa xưa, cách nay có đến vài trăm năm, trước năm 1925, xã Sơn Dương chỉ có bốn làng, mỗi làng có một ngôi đình, đó là các đình Tiên Lã (Tiên Lữ), Vân Phong, Đồng Giang và Đồng Đạng. Có một ngôi chùa cổ trên sườn non cao của dãy núi Đìa Thấu thuộc làng Vân Phong. Phía trước ngôi chùa là một cái khe lớn, thường gọi là khe Ngánh. Khe Ngánh bắt nguồn từ dãy núi Đá Đụn phía sau chùa. Chùa làng Vân Phong và dân quanh vùng đều dùng nước từ khe Ngánh, sau này gọi quen thành khe Chùa. Trên nền cũ chùa Thượng (để phân biệt với vị trí dưới thấp hiện nay của chùa) vẫn còn khá nhiều những hiện vật cổ như sáu chân cột đá tròn, đường kính ước chừng 40cm, bể tắm Phật, cây hương... bằng đá xanh nguyên khối. Lựng Húng Mò nằm ở thôn Vườn Cau, thuộc nhánh Khe Soong. Đó là một cái lựng nhỏ, xung quanh đá núi bao bọc giống như một miệng giếng trời. Nước từ lựng đổ xuống tràn qua những tảng đá phiến lớn nhỏ, muôn hình, làm thành một dòng suối trong văn vắt. Hôm nay, đoàn chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc “đăng sơn” lên đồi Vua Ngự, ở về phía Tây Bắc của thành phố Hạ Long.

Đường lên đồi Vua Ngự có thể đi từ thôn Vườn Cau, hoặc từ thôn Vườn Rậm. Cũng có thể đi bằng xe ô tô hai cầu hoặc xe máy. Điều kiện là tay lái khỏe và thạo đường. Nói về “tay lái lụa” ở đây chắc khó ai qua mặt được mấy anh lái xe chở gỗ keo. Cứ nơi nào có rừng keo trồng thì sau đó sẽ có những “đường mòn, lối mở” mới. Nhìn những chiếc xe tải lặc lè gỗ keo, bò trên những “con đường” khấp khểnh, gập ghềnh, cheo leo, ngoằn nghèo trên những triền dốc, đá... mới thấy cuộc mưu sinh của những người dân miền rừng núi vất vả, hiểm nguy đến thế nào.

Đơn giản nhất là đi bộ. Nếu bạn muốn thử sức, muốn giảm cân và sẵn lòng với đôi chút phiêu lưu thì có thể đi bộ. Đường đã có các anh lái xe keo mở rồi nên không sợ lạc. Thời gian ước chừng cả đi lẫn về 3 tiếng đồng hồ là lên tới (gần) đỉnh núi. Không kể thời gian ngừng, nghỉ, vui chơi, khám phá.

Lần này, chúng tôi chọn lối đi từ Vườn Cau, qua mấy khu vườn ổi đang mùa thu hoạch. Phía bên trái đồi Vua Ngự, sát với xã Đồng Lâm, là con đường quanh co dẫn tới nơi có khối đá thiêng. Theo những người dân địa phương ở đây thì khối đá in hệt hình Đức Phật. Đường đi khá vất vả vì có nhiều đoạn dốc cao và cục cằn đá núi, nhưng không “xi nhê” gì với những kẻ đang hăm hở phiêu lưu. Phải đến gần sát chân núi, nơi cây cối vạt hẳn ra, chúng tôi mới nhìn thấy khối đá kỳ vĩ ấy. Dường như ai đó đã tạc pho tượng Phật Bà Quan âm Bồ tát tay cầm bình nước cam lồ, dõi mắt xa xăm về phía trời Tây. Sườn núi dựng đứng và cây leo chằng chịt nên chúng tôi chỉ đành chiêm bái từ xa. Người dẫn đường chỉ cho chúng tôi thấy phiến đá hình thù như con voi phục ngay dưới chân núi, cạnh một phiến đá bằng bặn như một cái giường.

Anh kể: Hồi xưa, hồi mà vua Đồng Quánh còn cai quản vùng này. Khi ngài đi qua đây, rừng cây rậm rạp lắm. Vua mới chắp tay hướng đỉnh núi nguyện cầu. Tức thì khối đá to lớn này lăn xuống lấy chỗ cho vua ngơi nghỉ. Chính vì thế nên khối đá có tên là hòn Vua Ngự. Còn vì sao quả núi này lại gọi là đồi Vua Ngự thì chỉ biết là từ xưa vẫn gọi thế. Dân ở đây phân biệt đơn giản núi thì phải là núi đá. Còn núi đất thì gọi lại “đồi”, là “chồ”. Đối diện phía chân núi Phật Bà là một thung lũng cây cối xanh tươi, mơn mởn rừng keo và các loài cây bụi. Phía bên kia dốc, chừng 1km là đã đến một bản người Dao của xã Đồng Lâm. Ở đó có lệ là khách xa đến chơi, đầu tiên phải uống hết 3 chén rượu. Nếu không uống được phải nghỉ lại 3 đêm. Cho nên, chúng tôi sẽ cần dành một chuyến đi khác để chuẩn bị tinh thần ghé thăm làng bản của mấy người bạn đã quen.

Nghỉ ngơi, thư giãn ít phút trên tảng đá Vua Ngự thuở nào, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh đồi Vua Ngự. Đoạn đường từ đây lên đỉnh núi khó đi hơn. Đường khá dốc và trơn trượt loại đá mồ côi. Mỗi người chúng tôi phải kiếm một cái gậy để chống. Quả nhiên dễ đi hơn hẳn. Bù lại, phía bên trái đường đi quang cảnh thật bình an. Thôn Vườn Rậm, Vườn Cau, Đồng Vang... trải ra trước mắt. Những thảm lúa vàng đang vào vụ gặt xen lẫn những vườn ổi, vạt keo giống xanh mơn. Thỉnh thoảng, vài chuỗi chim reo hào hứng cả dải rừng. Đúng như câu ca xưa “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”.

Từ đỉnh đồi Vua Ngự có thể ngắm một vùng rộng lớn Hạ Long.

Chừng một giờ sau thì chúng tôi đã tới đích. Nơi đây sườn đồi quang quẻ, lồng lộng gió. Tầm nhìn xung quanh khá trống trải, thật thích hợp cho việc ngắm cảnh Hạ Long từ trên cao. Mặc dù đã hơn một lần tôi đến nơi đây, nhưng lần nào cũng vẫn có cảm giác choáng ngợp, hạnh phúc giữa cảnh non xanh nước biếc, núi đồi trập trùng, xanh thẫm uốn lượn trong mây. Phía Đông Nam là thành phố Hạ Long. Ống khói những nhà máy xi măng, nhiệt điện, những lô nhà cao tầng định hình rõ nét bên bờ vịnh. Cầu Bãi Cháy thanh tao bắc qua eo vịnh Cửa Lục, nối liền hai vùng đất phía đông và phía tây thành phố. Núi Hà Lùng, núi Một, núi Hai, dãy Đìa Thấu và những xóm làng Sơn Dương trải bày trước mắt. Con đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long uốn lượn phía xa... Bên phải là những tán rừng thông biếc xanh đã đến mùa lấy nhựa. Hơi tiếc là lần này chúng tôi không đem theo võng để có thể tận hưởng hơn nữa bầu thiên nhiên tinh khiết, thơm mùi lá thông và cây rừng.

Được cái, khi lên đến sườn đồi thì trời râm mát hẳn. Cũng vì thế mà cảnh vật càng trở nên huyền ảo, mơ hồ. Ở vạt đồi này, đội bay dù Đông Bắc thường lấy làm nơi xuất phát. Vào những ngày gió nhẹ, thời tiết đẹp, những cánh dù sặc sỡ như những cánh diều khổng lồ bay lượn trên nền trời trông thật thanh thản, bình an. Chúng tôi tranh thủ “Check in” bên mấy bụi hoa sim mọc cạnh mấy phiến đá lớn trên sườn đồi. Vẻ tươi thắm, hoang sơ của loài hoa núi rừng ấy chừng như cũng in lên những khuôn hình rạng rỡ. Tôi thầm nghĩ: Giá như sau này có một con đường phẳng phiu hơn, dễ dàng hơn cho những người yêu cảnh thiên nhiên mộc mạc, hoang sơ thì hẳn tuyến đường này sẽ trở thành một địa điểm đáng lưu tâm cho những người thích đi phượt. Thậm chí cho cả gia đình được trải nghiệm không gian thoáng đãng của thiên nhiên, được hít thở bầu không khí tươi mát của rừng xanh, được đắm mình trong giàn đồng ca của “Ba mươi sáu thứ chim” và trải nghiệm thực tế tiếng nỉ non của các loại côn trùng. Cũng là cách để chúng ta sống chậm, để tận hưởng, trân quý những giá trị đích thực của cuộc đời!

Lại Tuấn Hiền

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.vn - Đăng ngày 19/06/2023

Cùng chuyên mục