Linh vật trong các di tích ở Đồng Nai
Biểu tượng con rồng được sử dụng trang trí tại di tích Đài Kỷ niệm Biên Hòa. Ảnh: Ly Na
* Không sử dụng linh vật trái thuần phong mỹ tục
Tại chùa Ông (Thất phủ cổ miếu, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện đang trưng bày nhiều linh vật thuần Việt có giá trị thẩm mỹ cao trước cổng và trên mái chùa. Theo đó, trước cửa chùa Ông trang trí các cặp lân trấn giữ hai bên cổng và cửa; trên nóc chùa trang trí linh vật long; trên nóc quan âm lầu (thờ Đức mẹ Quan âm) trang trí linh vật phụng.
Ông Lưu Chí Cường, Phó trưởng ban tế tự Thất phủ cổ miếu cho biết, đối với cặp lân trang trí hai bên cổng và cửa gồm có một lân đực và một lân cái. Lân đực chân đạp trên một viên ngọc tượng trưng cho sự phồn vinh, giữ của. Lân cái đạp trên một kỳ lân con tượng trưng cho sự truyền giống và trân trọng hiền tài đời sau. Long được đặt trên nóc chùa tượng trưng cho quyền lực, tiêu trừ tiểu nhân, áp chế bệnh tật. Phụng được trang trí trên nóc quan âm lầu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển có tính kế thừa.
“Trong tín ngưỡng của dân tộc Việt, long - lân - quy - phụng là những sinh vật huyền thoại hoặc có thật được con người linh thiêng hóa như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh và tín ngưỡng, tôn giáo. Những linh vật ở chùa Ông chỉ dùng để trang trí chứ không thờ. Những linh vật này đã được Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh (nay là Bảo tàng Đồng Nai) kiểm tra, cho phép sử dụng” - ông Lưu Chí Cường nhấn mạnh.
Tại di tích đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa), các linh vật thuần Việt được trang trí, sắp đặt nhiều nơi, từ trên mái đình đến trang trí bên trong chánh điện, đền thờ. Trưởng ban quý tế đình Tân Lân Lâm Văn Lang cho rằng, bất cứ đền thờ, di tích đình, chùa nào ở Nam bộ cũng dùng tứ linh trong trang trí với ý nghĩa là để chúc phúc, chúc lộc cho bản làng, cho cộng đồng dân cư.
“Thờ tứ linh ở đình Tân Lân đã trải qua chiều dài của lịch sử từ thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên. Linh vật trang trí ở đây không có gì ngoài long - lân - quy - phụng, bát tiên và ông nhật, bà nguyệt. Bên cạnh đó, đình cũng trang trí linh vật ngựa, hạc cưỡi rùa... Sử dụng các linh vật này phù hợp văn hóa vùng đất Nam bộ, biểu tượng cho lời chúc tụng, sự tốt lành và thịnh vượng” - ông Lâm Văn Lang nói.
Cùng với đình, chùa, tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh cũng sử dụng linh vật long - lân - quy - phụng để trang trí trên các công trình như: Nhà hội Bình Trước, Văn miếu Trấn Biên, Đài Kỷ niệm Biên Hòa… Các linh vật Việt được thực hiện trên các chất liệu như đá xanh Bửu Long, gốm Biên Hòa. Việc trang trí linh vật thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tâm linh của con người, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống; đồng thời, thể hiện lòng biết ơn, sùng bái của cộng đồng dân cư từ những ngày đầu mở cõi.
* Gìn giữ bản sắc văn hóa
Theo Sở VH-TTDL, hơn 5 năm qua, kể từ khi Bộ VH-TTDL ban hành công văn số 2662 với những nội dung: không trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật ngoại lai (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa…, Sở đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã không còn linh vật ngoại lai trong di tích, đình, chùa.
Nhiều linh vật Việt trên chất liệu gốm Biên Hòa được sử dụng để trang trí tại đình Tân Lân (TP.Biên Hòa)
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, nếu như trước đây, nhiều cơ quan, đơn vị, các đình, chùa, miếu mạo trưng bày những cặp sư tử để thị uy sức mạnh thì nay, linh vật này đã được di dời chỗ khác. Việc gạn lọc các linh vật để đưa vào các cơ sở thờ tự, nơi công cộng là việc làm cần thiết và phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này có ý nghĩa to lớn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới.
“Những năm qua, ngành Văn hóa đã có hướng dẫn cho các cơ sở thờ tự, đình, chùa miếu và các cơ quan, đơn vị không đưa linh vật ngoại lai vào trang trí. Việc này đang được Đồng Nai thực hiện rất tốt. Trong các đợt kiểm tra, chúng tôi chưa thấy cơ sở nào còn sử dụng linh vật ngoại lai. Chúng tôi đã và đang tiếp tục có hướng dẫn cho các cơ sở thờ tự khi đưa linh vật vào trang trí phải được phép của ngành Văn hóa nhằm đảm bảo chọn lọc các linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc” - ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 di tích phổ thông, 57 di tích được xếp hạng. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp từ việc trang trí, thờ tự linh vật thuần Việt, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần ý thức của người dân trong việc gạn lọc các linh vật ngoại lai. Đưa linh vật thuần Việt vào di tích, nơi công cộng chính là cách lưu giữ bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của hơn 320 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai. Qua đó, giới thiệu đến bạn bè và du khách gần xa về văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Ly Na