Phong vị Đất Tổ: Những hạt ngọc trời ngũ sắc
Sắc màu của xôi ngũ sắc cũng thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự xum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống.
“Tổng” Xuân Đài trước đây là một dải gồm 5 xã Vinh Tiền, Minh Đài, Xuân Sơn, Xuân Đài và Kim Thượng của huyện Tân Sơn, đồng ruộng của cả tổng có đặc thù rất màu mỡ, phì nhiêu bởi sự bồi đắp của con sông Bứa. Nơi này trồng các loại gạo truyền thống với chất lượng rất ngon được nhiều người biết đến cho đến tận ngày nay. Chính bởi chất lượng gạo thơm ngon và nổi tiếng này món xôi ngũ sắc của đồng bào Mường đã trở thành đặc sản ẩm thực, một món ăn truyền thống mang ý nghĩa tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.
Sáng sớm, khi núi rừng còn ngà ngà một màu trắng đục của sương mù, từ những nếp nhà sàn đơn sơ hương thơm của nếp vương vít khắp không gian, đậu vào từng nhánh cây ngọn cỏ, khiến người khách xa cũng thấy xốn xang. Văng vẳng trong không gian lời hát Ví, Rang say đắm lòng người, thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ Mường tảo tần chuẩn bị gạo đồ xôi, người đàn ông trong nhà lên rừng kiếm những nguyên liệu để tạo màu sắc. Màu tím, xanh lam, đỏ là dùng 3 loại lá cây cơm nếp ngâm gạo; màu vàng từ hoa khô của một loại cây trên rừng, còn màu trắng thì để nguyên gạo, thế là được 5 màu rất đẹp. Gạo nếp cái sau khi ngâm nước sẽ được trộn theo từng màu khác nhau, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo nếp. Sắc màu của xôi còn thể hiện những ước vọng của người Mường về một cuộc sống hài hòa với trời đất, sự sum vầy của gia đình, sự gắn kết của cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống. Năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu xanh lam tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và tím tượng trưng cho Mộc. Đồng thời, nó còn thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc ở miền Tây Bắc nói chung.
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết hoặc ngày quan trọng của người Mường.
Quá trình đồ xôi ngũ sắc cũng đòi hỏi phải có một sự cảm nhận đủ chuẩn của người nấu để có thể nấu một nồi xôi đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu. Chõ xôi của người Mường làm bằng thân cây gỗ mềm, khoét rỗng ruột. Người Mường luôn canh lửa vừa, khi nào nếp có mùi thơm là xôi đã chín. Xôi sau khi chín được bắc ra khỏi bếp cũng là lúc bàn tay khéo léo của người nấu xới, gạt để trộn đều các lớp xôi màu với nhau để xôi được trộn thành ngũ sắc đẹp mắt. Khi chín hương thơm của nếp quyện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ nơi núi rừng Tân Sơn đã khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm đặc trưng. Bên cạnh cách đồ xôi truyền thống cho các dịp lễ, người Mường Tân Sơn còn biến tấu xôi ngũ sắc thành món cơm lam ngũ sắc để món ăn thêm phần phong phú.
Bà Hoàng Thị Hương Giang, khu 5B, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn cho biết: Xôi ngũ sắc ở đây đều được làm từ các nguyên liệu do bà con tự trồng cấy ra. Vào vụ lúa mùa, mỗi gia đình người Mường đều dành riêng một mảnh ruộng cấy nếp nương để Tết nấu xôi, làm bánh chưng. Nếp nương tròn hạt, thơm, hạt xôi mọng, dẻo, ngọt thơm hương vị đặc trưng vùng núi cao. Món xôi ngũ sắc của người Mường ngon hơn khi thưởng thức với cá nướng hoặc thịt nướng.
Sắc màu và sự thơm dẻo của xôi ngũ sắc cũng khẳng định sự ứng xử linh hoạt của con người trước thiên nhiên và đời sống xã hội. Xôi ngũ sắc là trung tâm của mâm cỗ mang theo khát vọng về cuộc sống, ẩn chứa tâm linh của người dân tộc Mường. Mâm xôi ngũ sắc trong những ngày lễ tết thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, tình yêu thương, sự gắn kết của cộng đồng và cầu mong mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình của người Mường qua bao đời nay.
Xôi ngũ sắc là niềm tự hào của phụ nữ dân tộc Mường, bởi nó thể hiện sự khéo léo, đảm đang của họ. Không chỉ làm xôi trong mỗi dịp lễ, Tết, hoặc cưới hỏi, tiếp khách thường ngày, các chị, các cô còn làm xôi ngũ sắc để bán cho những khách có nhu cầu muốn mua về ăn hoặc mang biếu tặng bạn bè phương xa. Từ món ăn truyền thống thành sản phẩm du lịch, xôi ngũ sắc Tân Sơn ngày càng được nhiều người biết tới, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập phụ.
Chiều muộn, chúng tôi rời những bản làng người Mường, khi ánh lửa hồng bập bùng trong những ngôi nhà sàn như làm ấm thêm không khí se lạnh của mùa đông. Bên bếp lửa hồng người già, con trẻ cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng sau một ngày lao động, nâng chén rượu cay nồng thưởng thức hương vị thơm ngon của những hạt ngọc trời.
Thu Giang