Non nước Việt Nam

Long An: Nơi lưu giữ những dấu tích lịch sử

Cập nhật: 19/08/2024 15:33:33
Số lần đọc: 434
Nhà số 17 hiện ở đường Nguyễn Duy, Phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An, trước năm 1945 được gọi là “nhà thuốc Minh Xuân Đường” vì do lương y Lê Minh Xuân làm chủ. Đây là nơi Đảng bộ Tân An từng mở một số hội nghị quan trọng, ra quyết định cho cuộc đấu tranh giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào tháng 8/1945.


Tác phẩm “Tân An những ngày tháng Tám năm 1945” của họa sĩ Hữu Phương, vẽ theo lời kể của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm.

Theo một số tư liệu, ngôi nhà được xây dựng khoảng từ năm 1934 đến 1936. Di tích có kết cấu một trệt, một lầu nằm trong dãy nhà phố đầu tiên ở tỉnh lỵ Tân An (nay là thành phố Tân An, tỉnh Long An) do thương gia Ấn kiều Ibrahim (còn gọi Chà Hiêm) xây cất và cho thuê. Dãy nhà này thời Pháp thuộc nằm ở đường Bertin Davesne, thời Ngô Đình Diệm đổi tên “Lê Văn Duyệt”, sau ngày giải phóng là “đường số 4”, và đến tháng 10/1997 đổi tên là đường Nguyễn Duy.

Năm 1936, ông Lê Minh Xuân là chủ tiệm thuốc bắc Nam Cường (ở Mỹ Tho) và Nam Phương (ở Phú Mỹ) đã về đây thuê mở phòng mạch và bán hàng xén, nhưng bên trong dùng làm điểm liên lạc, chuyển tài liệu sách báo của Đảng, của Liên tỉnh ủy miền Đông với miền Tây và với Xứ ủy Nam Kỳ. Phụ với ông Lê Minh Xuân kê đơn, hốt thuốc, làm cao đơn hoàn tán và liên lạc ở đây có Hà Tây Giang và Lưu Tấn Xương. Cuối năm 1938, khi công tác cơ sở công khai của Đảng gặp khó khăn, đồng chí Nguyễn Tân Hoạch (Trần Trung Tam) được Xứ ủy điều từ Quận ủy Đức Hòa về Tân An. Dưới vỏ bọc một thầy thuốc, mang bí danh Lang Hoạch (cũng gọi Hoắc), đồng chí đã xây dựng chi bộ ở thị xã Tân An và trực tiếp làm bí thư. Chi bộ này gồm: Trần Trung Tam (thầy thuốc, Bí thư), Hai Nhơn (đánh xe ngựa), Ba Hoằng (thợ bạc), Hai Dẹp (thợ bạc). Ít lâu sau đồng chí Tam làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, chi bộ thị xã giao lại cho đồng chí Nhơn làm bí thư, rồi sau đó đến đồng chí Ba Hoằng (Nguyễn Văn Hoằng) làm bí thư. Anh em cảm tình Đảng ở thị xã bấy giờ có Lê Minh Xuân, Nguyễn Văn Trọng và một số đồng chí nữa. Do phụ trách trực tiếp quản Châu Thành và sinh hoạt ở chi bộ thị xã nên đồng chí Tam thường ở tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Địa chỉ này cũng là điểm liên lạc của Đảng giữa miền Đông và miền Tây, trong đó, đồng chí Lê Minh Xuân làm nhiệm vụ trung gian thường đưa đón, liên lạc.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, tổ chức Đảng gần như tan vỡ. Cuối năm 1942 đầu 1943, một số đảng viên mới tập hợp trở lại. Chi bộ đầu tiên được lập lại tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Bí thư. Cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời Tân An tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, có 16 đại biểu dự. Hội nghị xúc tiến nội dung quan trọng là vạch kế hoạch sửa soạn khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận. Có thể xem đây là Hội nghị quan trọng có tính chất quyết định trong chuẩn bị lực lượng để giành chính quyền ở tỉnh lỵ Tân An và cả tỉnh sau đó. Sau hội nghị trên, nhà thuốc Minh Xuân Đường trở thành địa điểm để đảng viên tụ về kẻ truyền đơn, chuẩn bị khẩu hiệu, làm phù hiệu đảng viên, sửa soạn cho khởi nghĩa.

Khi hay tin Nhật đầu hàng Đồng minh, tối 16, sáng 17/8/1945, Xứ ủy tổ chức hội nghị ở Chợ Đệm, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Trọng, và đồng chí Lê Minh Xuân từ Tân An về. Từ hội nghị Chợ Đệm trở về, hai đồng chí liền triệu tập họp tại Minh Xuân Đường vào khoảng đêm 17/8 chính thức công bố lập Ủy ban khởi nghĩa, bầu bổ sung và phân công nhiệm vụ trong tỉnh ủy. Hội nghị nhất trí chuẩn bị sẵn sàng một Nghị quyết hành động - gọi là “Nghị quyết đỏ”, dự kiến ngày khởi nghĩa chậm nhất vào 25/8 trong tinh thần chờ đợi cùng với Xứ ủy. Hội nghị xong, đồng chí Nguyễn Văn Hoằng được phân công đi lên Chợ Đệm dự hội nghị Xứ ủy tiếp theo.

Tuy nhiên, ngày 21/8/1945, Xứ ủy hội nghị ở Chợ Đệm giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò thái độ quân Nhật thì cũng chính là lúc ở Tỉnh lỵ Tân An xảy ra sự cố và tạo nên biến cố lịch sử. Nắm chắc sự cố “Đàng Thổ dậy” do phái Cao Đài phản động đang có âm mưu chính trị tung tin, nhằm phỗng tay Việt Minh giành chính quyền, các đồng chí Trọng, Xuân tại nhà thuốc Minh Xuân Đường đã hội ý chớp nhoáng và quyết định lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ngay bằng lực lượng sẵn có. Cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã nhanh chóng huy động được sức mạnh quần chúng, bắt toàn bộ những tên ác ôn đầu sỏ, chiếm kho súng, kho bạc, làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ chỉ trong vòng hơn hai giờ đồng hồ. Tới chiều khi đồng chí Nguyễn Văn Hoằng mang lệnh khởi nghĩa thí điểm của Xứ ủy về đến nơi thì khởi nghĩa ở Tân An đã giành toàn thắng.

Chiều tối 22/8/1945, Tỉnh ủy Tân An họp công khai lần đầu tại nhà Tổng Thận, từ đó nhà thuốc Minh Xuân Đường cũng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, chấm dứt giai đoạn hoạt động bí mật của Đảng sau nhiều năm.

Trong các cuộc họp trước đây, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và nhiều cán bộ cách mạng lão thành đã nhất trí xác định nhà thuốc Minh Xuân Đường là trụ sở bí mật của Tỉnh ủy Tân An thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đã diễn ra sự chuẩn bị có tính chất quyết định của Đảng cho cuộc giành chính quyền thắng lợi tại tỉnh lỵ Tân An vào ngày 21/8/1945. Và sự kiện Tân An khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định của Xứ ủy trong lãnh đạo tổng khởi nghĩa năm 1945 ở Nam Bộ, có ý nghĩa lâu dài với sự nghiệp cách mạng về sau. Nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn lưu giữ tại đây phần bảo tàng về hình ảnh và hoạt động của Đảng bộ Tân An.

Đến nay, nhà thuốc Minh Xuân Đường năm xưa đã xuống cấp nghiêm trọng. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, ngôi nhà số 17 xứng đáng được ưu tiên tôn tạo như một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Long An. Để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vô cùng ý nghĩa cho thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Võ Mạnh Hảo

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 16/8/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT