Non nước Việt Nam

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), đôi điều cảm nhận

Cập nhật: 08/08/2024 14:19:00
Số lần đọc: 629
Trên con đường thiên lý Bắc Nam có dịp ghé thăm thánh địa Mỹ Sơn, được tận thấy di sản của người Chămpa cổ, trải bao thăng trầm của lịch sử vẫn hiện hữu kỳ vĩ trên đất Quảng Nam Anh hùng, mỗi người con đất Việt như yêu hơn Tổ quốc mình, bởi sự đa dạng sắc màu văn hoá.


Đường dẫn vào khu đền tháp

Theo tư liệu của Ban quản lý di sản văn hoá Mỹ Sơn, vào thế kỷ thứ IV, thung lũng Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) được chọn làm thánh đô, trung tâm tôn giáo tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa. Nơi đền tháp dựng lên để tưởng nhớ những chiến thắng và những cuộc chinh phục vĩ đại, đồng thời cũng là nơi các vị vua sau khi qua đời, linh hồn họ được quy tụ với các bậc thánh thần của đạo Hindu, đặc biệt là thần Siva, được coi là người sáng lập ra Vương quốc Chămpa.

Khu di tích này được người Pháp tình cờ phát hiện vào năm 1885. Sau đó, nhiều học giả quốc tế đã đến Mỹ Sơn để khảo sát và nghiên cứu. Năm 1904, những công trình nghiên cứu đầu tiên về bi ký và kiến trúc tại Mỹ Sơn đã được công bố trong kỷ yếu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (B.E.F.E.O). Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của dân tộc Chăm. Mỗi ngôi tháp thường gồm 3 phần là đế, thân và mái tháp, được xây bằng gạch, kết hợp cùng các mảng trang trí bằng sa thạch, với kỹ thuật rất tinh tế. Mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch thường được chạm khắc dựa theo các thần thoại của Ấn Độ giáo, đã tạo ra vẻ đẹp mỹ miều, sinh động, mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa - một nền nghệ thuật được kết hợp bởi những yếu tố bản địa và ngoại lai.

Kỹ thuật xây dựng đền tháp đang tiếp tục được nghiên cứu

Cũng giống như các đền tháp Chămpa khác, đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng thành nhiều cụm, mỗi cụm được bố trí theo trật tự: Đền thờ chính; Tháp cổng; Ngôi nhà dài tiếp theo tháp cổng, thường được sử dụng để làm nơi đón tiếp khách hành hương. Cạnh đền thờ chính là ngôi tháp Kosagraha, làm nơi cất giữ các đồ tế lễ. Ngoài ra, quanh đền thờ chính còn có những tháp phụ, để thờ các vị thần phương hướng, các vị thần tinh tú...Những di tích này thể hiện trình độ kỹ thuật xây dựng độc đáo, với những công trình kiến trúc độc lập hoặc tạo thành từng nhóm có niên đại từ thế kỷ 7 - 13. Phần lớn các công trình này được xây bằng gạch kết hợp với một số thành phần đá sa thạch. Ở phía ngoài của bức tường mạch vữa kết nối giữa các viên gạch rất mỏng tạo cảm giác như không có lớp vật liệu ghép nối. Trong công trình cũng có một số phần bên trong và bên ngoài được làm bằng đá. Sau khi vương quốc Chăm sụp đổ, kỹ thuật xây dựng, chất kết dính dùng để liên kết các viên gạch được những người Chăm sử dụng trong quá khứ đã thất truyền. Vì vậy,  vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm cổ vẫn còn những bí ẩn, cần được khám phá.

Di sản Mỹ Sơn thu hút khách tham quan

Tháng 12/1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Với sự hợp tác của Ấn Độ, khu di tích đã và đang được tu bổ, bảo vệ, phát huy tốt giá trị, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Đường vào khu di tích được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, rộng rãi, kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Hành hương về thánh địa Mỹ Sơn, đi giữa những ngôi đền,  tháp cổ huyền bí, được bao bọc bởi rừng cây cổ thụ xanh mát, không khí trong lành như đưa ta vào lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh; càng trân trọng hơn những giá trị độc đáo, đặc sắc mà tiền nhân để lại.

Bài, ảnh: Ngô Phú

Nguồn: Báo Bắc Ninh - baobacninh.com.vn - Đăng ngày 05/87/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT