Mãn nhãn với sơn mài truyền thống Bình Dương
Triển lãm thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều người
Để góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống sơn mài Bình Dương, trường Trung cấp MT-VH Bình Dương đã phối hợp với Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh tổ chức triển lãm sơn mài Bình Dương. Đây được xem là một triển lãm về sơn mài đặc sắc nhất từ trước đến nay tại ngôi trường có bề dày lịch sử trên 120 năm tuổi. Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm, sản phẩm tranh, bình soa (soil), dĩa soa, tủ rượu, bình các loại, hũ hộp và đặc biệt là những bộ án gió độc đáo của các họa sĩ, nhà giáo khoa sơn mài của nhà trường, cùng với các công ty, cơ sở sơn mài trên địa bàn thuộc Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh.
Đến với triển lãm, người thưởng lãm sẽ được mãn nhãn với những tác phẩm có kỹ thuật truyền thống mà hiện nay rất ít gặp. Đó là những tác phẩm thể hiện các hình ảnh về tích Kiều của Nguyễn Du, tranh lịch sử, thiếu nữ, tre, hoa điểu, cá vàng, cọp, tùng hạc, phong cảnh đồng quê... được thể hiện qua kỹ thuật cưa ốc cầu kỳ nhiều chi tiết, kỹ thuật cá vàng vẽ lặn, kỹ thuật khắc trũng, khắc xủi, kỹ thuật đắp nổi, kỹ thuật cẩn vỏ trứng, kỹ thuật vẽ vàng hay kỹ thuật vẽ lặn phức tạp… Tất cả được các tác giả thể hiện một cách công phu, đặc sắc qua từng nội dung, đề tài, cùng với màu sắc thâm trầm của chất liệu sơn đã tạo cho sản phẩm, tác phẩm sơn mài Bình Dương hết sức phong phú, lôi cuốn, đặc trưng và mang tính bản địa lâu đời.
Trong đợt triển lãm này, Nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh, Công ty TNHH sơn mài Định Hòa tham gia trưng bày hơn 10 tác phẩm tranh sơn mài quý do ông sưu tầm, sáng tác trong thời gian qua. Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm bình, gió án độc đáo cũng được ông mang đến để giới thiệu với công chúng yêu thích mỹ thuật, đặc biệt là sơn mài truyền thống Bình Dương. Giới thiệu cho chúng tôi về những tác phẩm mang đến triển lãm lần này, ông Trương Quang Tịnh cho rằng ông quý nhất vẫn là bức tranh sơn mài “Thiếu nữ H’mông” được thể hiện bằng kỹ thuật vẽ lắc tay. Đây là một trong những tác phẩm quý về sơn mài truyền thống mà ông đã sưu tầm được từ những họa sĩ sơn mài nổi tiếng của Bình Dương trước đây. “Nói về kỹ thuật vẽ sơn ta, bức tranh này bây giờ chưa chắc ai vẽ lại được như vậy”, ông Tịnh chia sẻ. Bên cạnh đó, người thưởng lãm còn mãn nhãn với rất nhiều tác phẩm ông sưu tầm, sáng tác có kỹ thuật thể hiện độc đáo, đã bị mai một, như bình hoa sơn mài chạm trên gốm, bức tranh tích Kiều (sơn mài Thành Lễ) được ông Tịnh sưu tầm vẽ theo kiểu khắc trũng, hay bộ gió án vẽ các tích Kiều do ông vẽ lại từ mẫu của họa sĩ Duy Liêm và có bổ sung thêm một số hồi cho đầy đủ hơn cũng mang đến cho người xem những điều hết sức thú vị.
Ngoài các tác phẩm, sản phẩm của Công ty TNHH Sơn mài Định Hòa, trong đợt triển lãm này còn có những tác phẩm đến từ các doanh nghiệp, như: Sơn mài Tư Bốn, sơn mài Đinh Thiệu, sơn mài Sáu Thanh và của các giáo viên trường Trung cấp MT-VH Bình Dương. Sự đa dạng, phong phú không chỉ thể hiện trong kỹ thuật chế tác, chất liệu, hình thức, mà còn thể hiện trong nội dung, đề tài của các thể loại sơn mài ứng dụng và sơn mài mỹ thuật Bình Dương. Đặc biệt là có khá nhiều tác phẩm của các nghệ nhân, thầy giỏi trong giới sơn mài nổi tiếng trên đất Bình Dương trước đây đã tạo ra nét đặc trưng riêng, làm vang danh nghề sơn mài vùng đất Thủ - Bình Dương xưa.
Ông Lê Bá Linh, Công ty TNHH Sơn mài Tư Bốn, cho biết trải qua nhiều thập niên, nghề sơn mài tại Bình Dương hiện nay không còn thịnh vượng như xưa; các nghệ nhân, cơ sở, người làm nghề sơn mài giảm dần kéo theo những kỹ thuật, nghệ thuật tỉ mỉ, điêu luyện tạo ra các tác phẩm, sản phẩm nổi tiếng một thời của Bình Dương dần mai một. “Điều mà các cơ sở, những người làm nghề như chúng tôi luôn trăn trở, lo lắng trong nhiều năm qua là làm thế nào để khôi phục, bảo tồn, giữ gìn những kỹ thuật, nghệ thuật độc đáo, riêng biệt mang đậm dấu ấn sơn mài đất Thủ - Bình Dương một thời vang bóng”, ông Lê Bá Linh chia sẻ thêm.
Triển lãm sơn mài Bình Dương lần này không chỉ góp phần giới thiệu, cung cấp cho người xem, người yêu thích sơn mài những thông tin quý giá, mà còn góp phần phát huy giá trị di tích cũng như giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp” của Bình Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.
Hồng Thuận