Măng sặt - đặc sản núi rừng Yên Bái
Măng sặt được bày bán tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
Măng sặt là loài cây thuộc họ tre, trúc nhưng thân cây thẳng và nhỏ hơn, búp măng to hơn đầu ngón tay cái người lớn một chút, được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng và dày. Măng sặt sinh sản nhanh, nhất là sau những đợt mưa phùn và nắng ấm, do đó, người trồng phải tranh thủ thu hái để được những ngọn măng tươi ngon nhất.
Những ngọn măng trồi hẳn lên mặt đất sẽ được xén bằng lưỡi dao sắc nhọn, còn với ngọn măng non mới nhú chỉ để lộ đầu nhọn qua kẽ nứt thì người thu hái sẽ dùng dao nhọn khéo léo đào lên để không cứa vào thịt măng.
Mùa măng sặt thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 nên đến mùa, những ai đã từng biết đến món ăn này đều không thể bỏ qua trong thực đơn bữa cơm gia đình. Nhiều người tranh thủ, khi đầu mùa, măng còn non và mềm, mua về bóc vỏ, làm sạch, hút chân không, cấp đông để ăn dần cả năm.
Măng sặt được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi có thể chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, om, xào, nướng… mà còn bởi đây là loại "rau rừng” giàu dinh dưỡng, thực phẩm sạch, có hàm lượng vitamin D, A cao hơn nhiều so với rau bình thường, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu phù, cầm tiêu chảy. Măng sặt ăn giòn, ngọt, thơm, lưu giữ hương vị thanh khiết, trong lành của núi rừng và đặc biệt ít xơ hơn so với các loại măng khác.
Trong số, những món ăn chế biến từ măng sặt, nổi tiếng nhất là măng sặt ninh xương sườn và măng nướng.
Anh Giàng A Tủa – người dân huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Vào mùa thu hái măng, chúng tôi thường ở trên rừng cả ngày nên chỉ cần mang thêm chút cơm trắng, muối vừng và rồi nướng măng trên than hồng, chấm với muối ớt là được một bữa ăn ngon rồi”.
Hiện tại, măng sặt trở thành một mặt hàng, loại cây trồng mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân vùng cao Yên Bái. Vào chính vụ, giá 1 kg mặc sặt nguyên vỏ dao động từ 20.000 – 25.000 đồng, măng đã bóc vỏ có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Là món ăn đặc sản, nổi tiếng nên đến nay, măng sặt không chỉ bán ở phạm vi trong tỉnh mà còn được các thương lái thu mua cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và một số tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
Chị Phạm Ngọc Hà – người dân Hà Nội bày tỏ: "Trong một lần đi du lịch ở Yên Bái, tôi được thưởng thức món măng sặt và ấn tượng mãi. Vì thế, năm nào vào mùa măng, tôi đều nhờ người mua gửi xuống, vừa để ăn vừa biếu bạn bè, người thân. Cả nhà tôi đều nghiện món đặc sản này”.
Được biết, măng sặt có nhiều ở các tỉnh phía Bắc nhưng không phải nơi nào măng cũng ngon, ngọt, hội tụ đầy đủ sự tinh túy của núi rừng Tây Bắc như ở Yên Bái. Vì thế, với sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của tỉnh, hiện nay, nhân dân một số địa phương trong tỉnh đang chuyển đổi những diện tích đất rừng, đất đồi kém hiệu quả sang trồng măng sặt.
Nhờ có sự chăm sóc thường xuyên, đúng quy trình kỹ thuật nên măng trồng có chất lượng cao hơn măng mọc tự nhiên. Mong rằng, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cây trồng, góp phần nâng cao đời sống người dân; đồng thời, bảo vệ môi trường vì măng sặt vốn là cây bản địa, có khả năng thích nghi cao và chống xói mòn tốt.