Mèn mén - Không chỉ là một món ăn
Ngô được phơi khô trước khi đem tách hạt làm mèn mén
Ở miền cao nguyên đá Hà Giang, người Mông lấp đất vào những hốc đá, ươm những hạt mầm hi vọng. Mưa gió cao nguyên nuôi lớn những hạt giống, cho chúng bật lên thành những cây ngô kiên cường, cho những bắp mẩy, đều, thơm ngọt… để làm ra món mèn mén, nuôi sống người Mông bao đời.
Em Mua Thị Chở (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chia sẻ, làm mèn mén ngon trải qua rất nhiều công đoạn chế biến. Ngô là nguyên liệu duy nhất làm món ăn này, thường là ngô tẻ vì bột ngô tẻ tơi, không bị vón cục như ngô nếp.
Những bắp ngô hái về được gác lên bếp hoặc tách hạt ra, bỏ những hạt sâu, hỏng rồi phơi khô, sau đó đem nghiền. Gia đình người Mông nào cũng có một chiếc cối đá, sau những vòng quay đều đều như thế, hạt ngô chuyển thành bột thơm phưng phức. Người ta đem sàng bột, bỏ mày, sạn rồi trộn với nước đem đồ lên.
Đồ mèn mén cũng là một nghệ thuật, phải làm sao cho bột ngô không quá khô, cũng không bị nát. Sau khi đồ lần đầu, bột ngô sẽ tiếp tục được đổ ra mẹt, dùng thìa gỗ đánh tơi và để nguội rồi lại đồ tiếp lần thứ hai cho chín kỹ. Đầu bếp là những người có kinh nghiệm trong gia đình, họ sẽ biết giữ lửa đủ độ, tính toán thời gian hợp lý để bột ngô chín, giữ được vị thơm ngon đặc trưng.
Vị mèn mén vừa thanh, vừa ngọt, vừa bùi. Có rất nhiều món canh rau dùng ăn kèm với mèn mén. Mùa nào thức ấy, khi thì rau cải, lúc lại là rau bí, lúc thì canh luộc quả su su, quả bầu. Nhưng có lẽ món canh ăn kèm đặc sắc nhất và cũng khiến người ăn “đắm đuối” nhất là tảo chúa ( hay còn gọi là cháo lảo).
Bột ngô được nghiền kỹ trước khi đồ lên làm thành món mèn mén
Đồng bào Mông nghiền đậu tương lấy nước, hòa với nước rau chua (chỉ đơn giản là luộc rau để mấy ngày cho chua lên) rồi thả rau cải vào nấu cùng. Họ thường ăn nhạt, ai không quen lúc đầu cũng sẽ thấy mùi vị rất khó ăn, nhưng đã ăn rồi mới thấy đây đúng là một thức vừa thanh đạm, vừa đậm đà ngọt ngào biết bao.
Đa phần các gia đình người Mông vẫn ăn mèn mén hàng ngày, cho dù sự nghèo khổ giờ đây không còn đeo bám họ như những ngày xưa nữa, nhưng dường như "cái hồn" của mèn mén đã ngấm sâu vào đời sống của họ.
Đám cưới, đám ma, giỗ tết hay có bất cứ công việc gì đều có sự xuất hiện của món mèn mén. Mỗi người một chiếc thìa, ngồi quây quần cùng bát mèn mén, tô canh, nồi thắng cố vừa ăn vừa chuyện trò. Những câu chuyện cứ thế nối dài, từ thế hệ này sang thế hệ khác, như truyền lại huyền thoại về dân tộc Mông kiên cường, bám vào đá núi để sống, để ươm mầm xanh hi vọng cho con cháu về một tương lai phía trước tươi sáng những sắc màu.
Những người Mông xa quê, dù có được ăn trăm thứ của ngon vật lạ, vẫn không quên được vị mèn mén quê nhà đã gắn bó suốt bao năm thơ ấu. Mèn mén khỏa lấp cơn nhớ nhung cồn cào, xoa dịu nỗi thèm thuồng một vị ngọt bùi thân quen không đâu tìm thấy như ở nơi con người ta “Sống trong đá chết vùi trong đá” này.
Mèn mén là món ăn chính của người Mông từ bao đời nay
Mua Thị Chở tâm sự: “Từ khi đi học bán trú đến trường nội trú, dù được ăn cơm gạo, chúng em vẫn luôn nhớ mùi vị mèn mén. Mỗi lần đi học, chúng em còn nấu mèn mén mang xuống trường ăn cùng bạn bè. Giờ đi học xa nhà, em rất tự hào khi giới thiệu món mèn mén cho các bạn ở tỉnh khác”. Ngày nay, khi du lịch phát triển, mèn mén còn trở thành món ăn độc đáo thu hút du khách, món ăn này như cánh cửa dẫn họ vào thế giới văn hoá đặc sắc của người Mông.
Hơn cả một món ăn, mèn mén đã tồn tại bao đời, mang ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống văn hoá người Mông. Mèn mén nuôi sống đồng bào Mông, để giữa một nơi chỉ toàn đá tưởng như không ai có thể sống được luôn thấp thoáng những váy xanh, váy đỏ, vang vang tiếng khèn dặt dìu hòa với bản tình ca của đá và người./...
Hồng Phúc