Tin tức - Sự kiện

Mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới

Cập nhật: 16/10/2021 12:03:01
Số lần đọc: 1178
(TITC) - Nhằm làm rõ “bức tranh” của ngành Du lịch sau gần hai năm hứng chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử, gây ra bởi Covid-19, sáng ngày 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19”.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đinh Như Hoan - Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; cùng lãnh đạo, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và y tế, đại diện các địa phương, doanh nghiệp và phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành du lịch và lữ hành đã chịu những tổn thất nặng nề. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.

Đánh giá đúng thực trạng, dự báo, phân tích đúng tình hình để sẵn sàng mở cửa du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế-xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Sự sụt giảm suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn.

Hai năm qua du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài sụt giảm về lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch thì số lượng cơ sở lưu trú phải đóng cửa dừng hoạt động cũng là vấn đề lớn. Việc làm trong ngành bị đứt gãy do không có khách nên buộc phải cắt giảm lao động, buộc phải giãn cách dẫn tới người lao động không có việc làm. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng. Hiện chỉ còn lại một phần rất ít doanh nghiệp còn trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải có nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi chính xác, kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Từ cách tiếp cận như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất và được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận ban hành các chính sách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, trong đó tập trung vào hỗ trợ tài khóa và phục hồi nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng cần triển khai là phải chuyển đổi một cách linh hoạt về sản phẩm du lịch. Trong đó, các tỉnh, thành phố cần làm mới sản phẩm theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt

Đánh giá về những thiệt hại do dịch Covid-19 với ngành Du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, số lượng khách du lich của năm 2020 giảm tới 97%, hoạt động của các doanh nghiệp du lịch gần như tê liệt. Người lao động mất việc và buộc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác. Điều này cho thấy sự ảm đạm, khó khăn của du lịch, đặc biệt là khó khăn đối với lao động. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Tổng cục Du lịch đã triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động theo 3 nhóm: 

Nhóm thứ nhất là nhóm chính sách tài khóa, liên quan các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động, để thu hút người lao động ở lại với doanh nghiệp, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.

Nhóm thứ hai là chính sách tài chính, Tổng cục Du lịch đã liên tục đề xuất có chính sách điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhóm thứ ba là gói an sinh xã hội, hỗ trợ hướng dẫn viên - đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp theo tinh thần Nghị quyết 63 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Vietravel

Về vấn đề này, bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Vietravel đề nghị, việc hỗ trợ cần mở rộng thêm đối tượng bởi có những hướng dẫn viên tự do, chỉ ký hợp động nhất định theo chuyến với doanh nghiệp, thì việc xin hỗ trợ rất khó khăn. Bà đề nghị hướng dẫn viên nếu có thẻ, có xác nhận đi đoàn thì vẫn được nhận hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian này.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, bên cạnh những khó khăn, thách thức mà ngành Du lịch và các doanh nghiệp phải đối mặt thì dịch Covid-19 tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó là những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đang âm thầm chuyển đổi, đổi mới công nghệ. Ông tin tưởng rằng trong 3 năm tới hình ảnh của ngành du lịch sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

Chủ động mở cửa du lịch, trước mắt là du lịch nội tỉnh và nội địa

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, hai năm qua, cũng đặt ra nhiều vấn đề, nội dung về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những kế hoạch nhằm phục hồi, kích cầu du lịch. Quan điểm trước mắt hiện nay là mở cửa du lịch phục vụ khách nội tỉnh, tiếp đến là khách nội địa, từ đó để có thể tạo những tiền đề tốt để mở rộng du lịch khi kiểm soát được dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa khẳng định Khánh Hòa là điểm đến an toàn và các sản phẩm dịch vụ đều đạt chất lượng, xây dựng các sản phẩm mới, độc đáo với các giá cả cạnh tranh, thu hút khách du lịch đến Khánh Hòa với gói chương trình “Du lịch Xanh”; đồng thời Khánh Hòa chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tuyến tại đầu cầu Báo Nhân dân

Cũng như Khánh Hòa, tỉnh Quảng Nam cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho hoạt động phục hồi du lịch, đón khách. Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, tỉnh đang hỗ trợ phát triển du lịch xanh, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khác, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại.

Với các doanh nghiệp, việc phá bỏ rào cản, giảm bớt các thủ tục hành chính, đồng thời thống nhất quy tắc phòng chống dịch bệnh giữa các địa phương sẽ là điều kiện tốt để du lịch phục hồi và phát triển.

Phó Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Lê Hương cho rằng việc đánh giá lại tỷ lệ vắc-xin ở tất cả các địa phương để đưa ra các chính sách và bản đồ vắc-xin của toàn khu vực là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn của khu vực.

Tiếp tục hoàn thiện quy trình đón khách quốc tế thí điểm tại Phú Quốc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất và được phép mở cửa thí điểm Phú Quốc dự kiến là cuối tháng 11. Đồng thời với thí điểm của Phú Quốc, hiện nay nhiều địa phương đã chủ động xin được mở cửa đón khách quốc tế như Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa... Việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ là tiền đề thuận lợi mở rộng cơ hội để các địa phương chủ động khi có đủ điều kiện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Liên quan đến vấn đề thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, về lộ trình mở cửa đối với Phú Quốc, trong thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng chi tiết kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến vào cuối tháng 11/2021, và kéo dài từ 3-6 tháng, chia làm 2 giai đoạn.

Về đối tượng khách, dự kiến là khách theo các tour trọn gói, bảo đảm các điều kiện về hộ chiếu vắc-xin cũng như các điều kiện khác. Khách quốc tế được ưu tiên lựa chọn từ các thị trường tiềm năng của Việt Nam, và có độ an toàn cao về phòng chống dịch Covid-19 tại một số khu vực. Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có phối hợp với Bộ Ngoại giao xác định một số thị trường trọng điểm và an toàn cao, gồm khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông và châu Đại Dương.

Trong thời gian vừa qua, Kiên Giang đã hoàn thành tiêm chủng 100% mũi 1 đối với người lao động và trên 18 tuổi và chuẩn bị hoàn tất tiêm mũi thứ 2 trong tháng 10 này. Dự kiến đến tháng 11 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của ngành y tế. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp cùng một số bộ, ngành cùng tỉnh Kiên Giang để hoàn tất một số quy trình bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 trong quá trình phục vụ đón thí điểm khách quốc tế.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong quy trình đón khách quốc tế, an toàn là yếu tố quan trọng tiên quyết trong việc mở cửa cả du lịch quốc tế và nội địa. Để an toàn, có 4 yếu tố quan trọng là vắc-xin, 5K, công nghệ và truyền thông. Bốn nội dung này phải chạy song song với nhau để bảo đảm cho việc an toàn.

Tổng cục trưởng cũng cho biết, ngày 14/10, trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành phối hợp xem xét các địa phương khác có thể cùng với Phú Quốc triển khai việc đón khách quốc tế, tiêu biểu như Khánh Hòa. Khánh Hòa có những ưu thế để phát triển việc đón khách quốc tế như có những khu vực tách biệt, bảo đảm an toàn, độ phủ vắc-xin cao… 

Bà Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group)

Theo bà Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), thời gian qua, thông qua chiến dịch “phủ áo mới” và nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách đồng bộ, mạnh mẽ, các khu nghỉ dưỡng và tổ hợp vui chơi giải trí của Sun Group tại Phú Quốc đã có sự thay đổi lớn về diện mạo, chất lượng dịch vụ cũng như bổ sung thêm các trải nghiệm mới.

Những cơ sở lưu trú tại Phú Quốc, bên cạnh công tác đào tạo nhân viên, xây dựng và thực hành các quy trình đón khách an toàn cũng đã tiến hành chỉnh trang lại các công trình, bước đầu triển khai những công nghệ mới trong công tác tiếp đón du khách.

Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho rằng muốn đón khách quốc tế cần phải nhìn lại cách thức phát triển du lịch quốc tế, trong đó trọng tâm là định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam, từ đó mới xúc tiến sản phẩm du lịch, con người và thị trường cho phù hợp.

Ban hành bộ tiêu chí mới về thích ứng an toàn Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 14/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương ban hành hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch, để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh… Hiện nay, Bộ đang gấp rút xây dựng hướng dẫn này theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời, trong đó hướng dẫn rất cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hướng dẫn tạm thời về việc thích ứng linh hoạt bảo đảm phòng chống Covid-19 trong các hoạt động du lịch. 

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist cho rằng, điều quan trọng trong thời điểm hiện tại là các thông tin hướng dẫn của các cơ quan hữu quan và địa phương cần thống nhất và đồng bộ để các doanh nghiệp dễ dàng triển khai, áp dụng trong việc đón và phục vụ khách du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT