Mục sở thị lễ hội sớm nhất trong năm ở Hải Dương
Lãnh đạo huyện Thanh Hà dâng hương tại lễ hội chùa Hào
Thu hút vạn người xem
Sáng mùng 6 tháng giêng (3/2/2025), chúng tôi về dự lễ hội chùa Bạch Hào (thường gọi là chùa Hào). Đây là lễ hội đầu xuân lớn nhất huyện Thanh Hà và là một trong những lễ hội sớm nhất trong năm của người Hải Dương. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo huyện, xã cùng đông đảo phật tử và người dân nhiều nơi.
Ngay từ sáng sớm, khuôn viên chùa đã rực rỡ sắc màu với những mâm quả được bày biện công phu, trang trí cầu kỳ với nhiều thế uy nghi như "quần long tụ hội", "hạc ngậm phong thư"… thể hiện sự khéo léo của người dân địa phương.
Sau phần dâng hương tưởng nhớ đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng ba vị thành hoàng làng, nghi lễ rước sắc phong từ chùa ra nghè được tổ chức trang trọng. Đoàn tế gồm 16 nam giới, mặc trang phục truyền thống, cử hành các nghi thức tế lễ với đầy đủ xướng quan, hầu tế và thủ tục dâng hương, hoa lễ tạ, tạo nên một không gian linh thiêng.
Các đội thi té nước nấu cơm trên thuyền
Sau phần lễ, không khí ngày hội trở nên sôi động với những trò chơi dân gian đặc sắc, trong đó nổi bật là hội bơi chải, một nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Các phần thi diễn ra ven sông Cửa Chùa (một nhánh của sông Hương). Hội đua thuyền chải là để kỷ niệm sự kiện vua Trần Nhân Tông trong chuyến kinh lý đã ghé thăm chùa. Các đội đua gồm thuyền nam và thuyền nữ đến từ bốn thôn trong xã, mỗi thuyền có 12 tay chèo, tạo nên cuộc tranh tài đầy kịch tính trên mặt nước.
Phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông cũng khiến người xem hào hứng hơn hẳn. Thời tiết có không khí lạnh tăng cường nên khá rét nhưng các thành viên tham gia thi vẫn nhanh chóng nhảy xuống nước để bắt vịt giữa những tràng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt của khán giả.
Phần thi nấu cơm trên sông dành cho các đội về nhất, nhì, ba trong cuộc đua thuyền chải. Đây thực sự là một thử thách vì các đội vừa nấu cơm bằng bó đuốc vừa phải té nước vào nồi cơm của đối phương để làm tắt bếp. Vì thế, nhiệm vụ của các thành viên là vừa chèo, vừa phải giữ lửa để cơm chín đều. Đội nào nấu chín cơm trước sẽ thắng.
Che chắn nước của đội bạn để nấu cơm chín
Những trò chơi này mang lại tiếng cười cho những người tham gia lễ hội, thu hút hàng vạn người theo dõi, livestream. Chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Thanh Tân cho biết nhà chị làm ăn xa quê nhưng năm nào về ăn Tết chị cũng ở lại xem lễ hội xong mới đi làm.
Trước đây, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như leo cầu thùm, bắt chạch, nhưng do điều kiện thời tiết và tổ chức phức tạp, một số trò chơi đã không còn duy trì. Dù vậy, những môn thể thao hiện đại như cầu lông, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh vẫn được tổ chức từ ngày mùng 4 Tết để khai xuân và kéo dài đến hết lễ hội. Ngoài ra, tối mùng 5 tháng giêng, chương trình văn nghệ đặc sắc càng làm không khí lễ hội thêm rộn ràng.
Lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và văn hóa
Trước khi diễn ra phần hội, các thôn rước lễ quanh chùa và ra đến nghè thờ các vị thành hoàng
Theo văn bia còn lưu lại, chùa Hào được xây dựng vào năm 1011 dưới triều Lý Thái Tổ, vị vua khai sáng nhà Lý. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, cùng ba vị cư sĩ có công lớn với dân làng.
Bia thần tích ghi lại rằng vào thời Trần, vợ chồng Nguyễn Danh Doãn và Phạm Thị Phương sinh được hai người con trai tài giỏi là Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang. Hai anh em cùng người bạn học Lý Đình Khuê đều đỗ đạt cao, được phong làm học sĩ và theo vua Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo đại vương đánh giặc Nguyên Mông. Sau này, khi vua Trần Nhân Tông xuất gia, ba ông về trụ trì chùa Minh Khánh một thời gian rồi sang chùa Hào tu hành.
Ghi nhớ công lao của ba vị cư sĩ, triều đình nhà Trần đã ban sắc phong, lập miếu thờ. Nguyễn Danh Quang được sắc phong là Phổ Lại cư sĩ, Nguyễn Danh Nguyên là Phổ Hộ cư sĩ, còn Lý Đình Khuê là Phổ Tế cư sĩ. Trải qua các triều đại Trần, Hậu Lê, Nguyễn, cả ba ông đều tiếp tục được sắc phong.
Lễ hội thu hút vạn người đến xem, du xuân, cổ vũ phần hội
Hiện nay, chùa Hào còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như 5 đạo sắc phong, 3 ngai thờ thành hoàng bằng đá xanh, cùng hàng chục tấm bia đá, bản khắc gỗ kinh Phật, vườn tháp và đồ thờ tự. Đặc biệt, bệ đá hoa sen thời Trần với những hoa văn hình rồng, chim phượng được chạm khắc tinh xảo là minh chứng sống động cho nghệ thuật điêu khắc thời bấy giờ.
Ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chia sẻ lễ hội chùa Hào là sự kiện truyền thống của xã Thanh Xá trước kia với sự tham gia của 4 thôn. Năm nay xã mới sáp nhập với xã Thanh Thủy thành Thanh Tân. Từ năm sau, chính quyền sẽ vận động thêm 3 thôn còn lại cùng tham gia nhằm mở rộng quy mô và tăng thêm sự gắn kết cộng đồng.
Với sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng và văn hóa dân gian, chùa Hào đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993, lễ hội chùa Hào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.
Minh Nguyên