Tin tức - Sự kiện

Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước

Cập nhật: 19/11/2020 14:39:28
Số lần đọc: 1009
(TITC) – Ngày 19/11, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác hợp tác, liên kết giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020, phương hướng hợp tác giai đoạn 2021-2025. Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương tham dự và chủ trì hội nghị.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo kết quả tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, được sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức ký kết 09 chương trình hợp tác phát triển du lịch với các Sở quản lý du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm liên kết quảng bá xúc tiến du lịch, hợp tác quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch và hỗ trợ trao đổi khách du lịch giữa các địa phương.

Qua đó, du lịch Thủ đô đã tạo lập được sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong xây dựng tour, tuyến du lịch, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh hoạt động liên kết xúc tiến quảng bá, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Kết quả du lịch Hà Nội đã đạt được sự tăng trưởng tốt cả về số lượng khách và tổng thu. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019 lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,1%/năm, trong đó khách quốc tế có mức tăng bình quân 21,2%/năm. Riêng năm 2019, Hà Nội đã đón được 28,9 triệu lượt khách, trong đó có 7,0 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt mức tăng bình quân đạt 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của các bên. Để triển khai Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố Hà Nội về phát huy hiệu quả của du lịch Thủ đô với vai trò là trung tâm điều phối du lịch lớn nhất của cả nước và khu vực phía Bắc, Sở Du lịch Hà Nội đã đã xây dựng, đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các địa phương trong giai đoạn 2021-2025.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu báo cáo kết quả tại hội nghị

Đến nay đã có 31 tỉnh, thành phố mong muốn được hợp tác với Hà Nội trong phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Thông qua hội nghị này, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch và các ý kiến đóng góp của các địa phương để hoàn thiện phương án liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Đồng thời mong muốn ứng dụng công nghệ 4.0 để kết nối cơ sở dữ liệu du lịch giữa các địa phương trong cả nước

Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao sự hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương và cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương trong việc ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời khẳng định Tổng cục Du lịch luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp trong kết nối phát triển du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đẩy mạnh truyền thông, kích cầu phát triển du lịch nội địa.

Toàn cảnh hội nghị

Để nâng cao hiệu quả của việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc riêng của mỗi địa phương. Việc liên kết phát triển du lịch chỉ thật sự hiệu quả khi mỗi địa phương tìm ra lợi thế riêng, xây dựng sản phẩm riêng, từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng. Xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến dựa trên những thế mạnh riêng biệt của từng địa phương sẽ giúp phục hồi du lịch, tránh đưa ra các sản phẩm trùng lặp.

Hai là, nghiên cứu ban hành chính các sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành.

Ba là, tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch giữa các địa phương. Trong đó, Hà Nội là trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục lớn của cả nước, cần phải giữ vai trò chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho cả nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Bốn là, phối hợp xây dựng các sản phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch chung của các địa phương trong vùng liên kết; đồng thời, hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, huy động sự tham gia của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch giữa các địa phương, bảo đảm thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT