Nền tảng phát triển du lịch Tuyên Quang
Khách du lịch trải nghiệm bơi thuyền Kayak trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Sự khác biệt độc đáo các loại hình du lịch của Tuyên Quang được tạo dựng từ truyền thống văn hóa, lịch sử mà nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dày công vun đắp, gìn giữ. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Tuyên Quang trở thành Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 di tích lịch sử, trong đó có 141 di tích đã được xếp hạng quốc gia. Tỉnh đã phối hợp với Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Tân Trào (Sơn Dương) đến năm 2030 cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia. UBND tỉnh vừa khởi công xây dựng Nhà bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; cơ bản hoàn thành các hạng mục Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao huyện Sơn Dương tại xã Minh Thanh và Tú Thịnh, bảo đảm tỉnh kết nối tour, tuyến du lịch ngày càng hấp dẫn hơn du khách.
Giá trị văn hóa, lễ hội của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được phát huy, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đối với du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài. Các địa phương chú trọng khai thác văn hóa truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và nghỉ dưỡng như lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nhảy lửa của người Pà Thẻn; các làn điệu dân ca, dân vũ như Sình ca của dân tộc Cao Lan, Then, Cọi của dân tộc Tày, khèn của dân tộc Mông và các món ăn truyền thống được gìn giữ, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Chị Trần Yến, định cư ở Nhật Bản chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị và bạn bè không về Tuyên Quang trải nghiệm được như những năm trước, năm nào chị cũng cùng bạn bè ở Nhật về Tuyên trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên, thăm các di tích lịch sử và nghỉ dưỡng tại các homestay ở Lâm Bình, Na Hang. Chị và bạn bè thật thích thú với món ăn của các dân tộc, đi lòng hồ ngắm rừng nguyên sinh, được nghe hát Then tại homestay, đó là điều mà ở nhiều nơi không có được.
Du khách trẩy hội Chùa Hang. Ảnh: T.K
Tuyên Quang đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị UNESCO công nhận hồ Na Hang - Lâm Bình và hồ Ba Bể (Bắc Cạn) là di sản thiên nhiên thế giới, chắc chắn trong tương lai không xa sẽ thu hút đông đảo du khách nước ngoài về đây trải nghiệm. Hiện tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, điển hình là Tập đoàn VinGroup đầu tư xây dựng Khu vui chơi, giải trí công cộng tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) với nhiều hạng mục mang thương hiệu Vinpearl như khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu khám, chữa bệnh bằng trị liệu nước khoáng nóng; khu dịch vụ thương mại, sân golf. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhất trí chủ trương đầu tư cho Tập đoàn SunGroup đầu tư khu nghỉ dưỡng quy mô hơn 800 ha tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), mở ra cơ hội lớn cho việc liên kết phát triển du lịch.
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn nhấn mạnh, huyện đã hoàn tất các thủ tục kiểm kê đất đai, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tập đoàn xây dựng các hạng mục công trình. Đây là dự án quy mô lớn, tạo động lực phát triển du lịch của huyện, tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương như mật ong Tuyên Quang, cá đặc sản, chè đặc sản, măng khô, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nón, cốc, chén, bát đĩa được làm từ tre, nứa. Các sản phẩm văn hóa độc đáo của các dân tộc như chăn, quần áo thổ cẩm, nhạc cụ cũng được trưng bày, giới thiệu, bày bán tại các khu, điểm du lịch, góp phần tạo sự hấp dẫn du khách.
Lấy giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng, lợi thế của địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo là cách làm phù hợp, mang tính nền tảng tạo sức hấp dẫn đối với du khách, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống nhân dân.