Vĩnh Long: Đẩy mạnh du lịch nông nghiệp
Trải nghiệm tát ao bắt cá ở Út Trinh homestay.
Du lịch nông nghiệp là xu hướng tương lai
Du lịch nông nghiệp thu hút du khách tham quan thông qua các hoạt động nông nghiệp tại địa phương, với các vườn cây ăn trái và khu vực trồng hoa màu đặc trưng ở Vĩnh Long giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông, tham gia các hoạt động nông nghiệp trải nghiệm (trồng rau, lúa, thu hoạch nông sản, tát ao bắt cá,…) và góp phần tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là tiềm năng lớn của tài nguyên du lịch Vĩnh Long, nhưng chưa được khai thác, xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Tín- Trưởng Phòng Quản lý du lịch- cho rằng: “Trong tương lai, điểm chủ lực tham quan trong thời gian tới là Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, nơi tái hiện các hoạt động, trưng bày nông cụ giúp du khách tham quan hiểu về sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long và các tỉnh- thành trong khu vực”.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh phát huy thế mạnh nông nghiệp sẵn có gắn với các sản phẩm tiêu biểu thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm của ngành nông nghiệp.
Từ đó, phát động, xây dựng mô hình tham quan, trải nghiệm tại các vườn, tạo nét đặc trưng riêng của địa phương tại điểm tham quan (nét riêng thể hiện ở loại cây trồng, đặc điểm khu vườn, các dịch vụ tại điểm, cho khách thưởng thức sản phẩm,…), tăng cường quảng bá, xúc tiến đến các cơ sở lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, tăng sức hút tham quan gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Các ngành chức năng, đặc biệt là Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế một số chương trình tham quan chuyên đề nông nghiệp giới thiệu, quảng bá đến các cơ sở lữ hành để xây dựng tour trong thời gian tới, cụ thể theo tuyến sông Hậu (Bình Minh- Trà Ôn- Tam Bình); tuyến sông Tiền (Vĩnh Long- Vũng Liêm- cù lao Dài- làng gốm); tuyến Cái Bè- Vĩnh Long- cù lao An Bình- sông Long Hồ gắn với một số hoạt động văn hóa, sông nước.
Kết hợp cho khách trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt cư dân, thưởng ngoạn cảnh quan dọc tuyến sông kinh rạch, chế biến món ăn, nghỉ dưỡng và thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian.
Du lịch làng nghề- thế mạnh tương lai
Vĩnh Long có nhiều tiềm năng về du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề luôn tạo ra sự hấp dẫn đối với khách du lịch.
Đến với làng nghề, du khách có thể tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra mỗi sản phẩm, sẽ cảm giác thích thú, thích khám phá và có thể trực tiếp trải nghiệm, tham gia vào hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, du khách có thể mua về những sản phẩm làng nghề để làm quà tặng cho người thân gia đình hay làm vật kỷ niệm trong chuyến đi của mình.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu khẳng định: “Cần tập trung khai thác các giá trị văn hóa của các làng nghề hiện có của tỉnh để đưa vào chương trình tour du lịch trong thời gian tới.
Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa các làng nghề của tỉnh vào khai thác, tăng cường quảng bá, giới thiệu nét độc đáo của các làng nghề đến du khách và dần tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất định phải khám phá khi đến địa phương”.
Từ đó, định hướng, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản phẩm thành quà lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách mang thương hiệu du lịch Vĩnh Long (có logo tỉnh), các sản phẩm như: từ lục bình, đan đát, dệt chiếu, gốm,… với kích thước nhỏ, gọn, bền, dễ vận chuyển, bắt mắt, sáng tạo và đa dạng mẫu mã.
Khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch, các trạm dừng chân xây dựng gian hàng lưu niệm sản phẩm làng nghề, nông nghiệp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm cho du khách.
Trong tương lai, khi đề án Di sản văn hóa đương đại được triển khai tại làng nghề gạch gốm Mang Thít, hy vọng du lịch làng nghề sẽ trở thành điểm nhấn, hấp dẫn thu hút mạnh mẽ nguồn du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG