Hoạt động của ngành

Trạm Tấu (Yên Bái) đẩy mạnh thu hút khách du lịch

Cập nhật: 29/12/2020 09:18:20
Số lần đọc: 1127
Thiên nhiên ban tặng cho Trạm Tấu nhiều điểm có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như: nước khoáng nóng; đồi thông Eo Gió tại thị trấn huyện; thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì; du lịch mạo hiểm; du lịch cộng đồng tại xã Hát Lừu; chòm Cu Vai, xã Xà Hồ…


Vẻ đẹp của khu rừng hoang sơ trên đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ (Ảnh: VT).

Xã Xà Hồ là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng cũng như du lịch khám phá mạo hiểm với các địa danh đang thu hút khách du lịch như đỉnh núi Tà Chì Nhù nằm ở độ cao 2.979 mét so với mực nước biển. 

Trên đỉnh Tà Chì Nhù còn giữ được những nét nguyên sơ, tạo được sức hút đối với khách ưa du lịch mạo hiểm. Ngoài ra, chòm Cu Vai thuộc thôn Cu Vai Háng Xê cũng được nhiều khách du lịch biết đến là một trong những điểm trải nghiệm thú vị để khám phá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông. 

Năm 2020, xã Xà Hồ đề ra mục tiêu thu hút hơn 3.000 khách du lịch và dự kiến đến hết năm sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. 

Ông Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: “Hiện tại, du lịch đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, chủ yếu là dịch vụ đưa đón khách leo núi khám phá; làm dịch vụ lán nghỉ tại đỉnh Tà Chì Nhù với mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng”. 

Để tiếp tục thu hút khách du lịch, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn và tham mưu với UBND huyện đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, điện hạ áp nông thôn để từng bước tạo nguồn thu từ du lịch. 

Cũng như Xà Hồ, xác định du lịch sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Bản Công tích cực tham mưu với UBND huyện triển khai một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: đầu tư lán nghỉ, xây dựng biển báo, tu sửa đường đến các điểm du lịch, đặc biệt là điểm du lịch mạo hiểm Tà Xùa. 

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song từ đầu năm đến nay, xã vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong, ngoài tỉnh. 

Ông Giàng A Trư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các ngành của huyện, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân, đặc biệt là đối với các hộ có khả năng làm du lịch cộng đồng; đồng thời, quan tâm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông; lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch”. 

Là một trong những huyện nghèo, nhưng thiên nhiên đã ban tặng cho Trạm Tấu nhiều điểm có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như: nước khoáng nóng; đồi thông Eo Gió tại thị trấn huyện; thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì; du lịch mạo hiểm; du lịch cộng đồng tại xã Hát Lừu; chòm Cu Vai, xã Xà Hồ… Ngoài ra, Trạm Tấu còn có những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống và ẩm thực của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái. 

Hiện tại, UBND huyện đã xây dựng Đề án Quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020, hình thành các tour, tuyến du lịch trọng điểm của huyện nhằm phát huy các giá trị sinh thái để xây dựng nên các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Đây là cơ hội tốt để Trạm Tấu phát triển ngành “công nghiệp không khói”. 

Năm 2020, Trạm Tấu phấn đấu thu hút hơn 30.000 lượt khách du lịch, nên ngay đầu năm huyện đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, Trang Thông tin điện tử huyện, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Tổ chức tập huấn kỹ năng nghề du lịch; kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng ở các xã; tu sửa nâng cấp các tuyến đường, các điểm nghỉ chân tại các khu vực du lịch mạo hiểm… Đến thời điểm này, huyện đã đón hơn 29.000 lượt khách du lịch, đạt 97% kế hoạch đã đề ra. 

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của huyện về những sản phẩm du lịch; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du lịch cộng đồng.

Duy trì và phát triển các đội văn nghệ của các dân tộc tại các xã, thị trấn; thực hiện liên kết giữa các điểm du lịch trong huyện; tiến hành cắm các biển chỉ dẫn, biển tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn; ban hành các nội quy, niêm yết giá, đường dây nóng tại các nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống. 

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông - lâm sản của địa phương, các mặt hàng lưu niệm phục vụ hoạt động chợ phiên; bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục