Lai Châu: Duy trì, phát triển nghề truyền thống
Bản San Thàng (xã San Thàng) được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng năm 2014, đến nay bước đầu thu hút nhiều khách du lịch thông qua hoạt động chợ phiên, chợ đêm. Phát huy thế mạnh, từ nhiều năm, bà con dân tộc Giáy duy trì nghề làm bánh truyền thống với đủ loại như: phở, bò, giày, đúc, bỏng, khảo… Mỗi loại bánh mang hương vị khác nhau nhưng có đặc điểm chung làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, đường hóa học, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Có dịp đến chợ phiên San Thàng vào sáng chủ nhật, trong tiết trời se lạnh được thưởng thức bát phở nóng, thơm ngon do chính bà con dân tộc Giáy làm là trải nghiệm khá thú vị. Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nùng Thị Nga (bản San Thàng) - một trong những hộ có truyền thống lâu đời làm nghề sản xuất bánh phở của bản. Chị Nga tâm sự: “Từ nhỏ, mẹ đã dạy cách làm bánh phở đến khi lấy chồng tôi vẫn duy trì nghề. Trung bình mỗi ngày, gia đình làm được 40kg phở, riêng ngày chợ phiên nhiều hơn với 80kg phở. Làm nghề này tuy vất vả, đòi hỏi sự tỷ mỉ, cẩn thận từ các khâu: ngâm gạo, xay bột, tráng, cắt bánh nhưng thu nhập ổn định, trung bình mỗi ngày gia đình thu từ 200-300 nghìn đồng”.
Được biết, bản San Thàng có hơn 50 hộ chuyên làm các loại bánh để bán, nhiều hộ có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gìn giữ các nghề làm bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy, bản thành lập Tổ liên kết sản xuất hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bà con bản Sùng Chô (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) chuẩn bị men nấu rượu.
Xã Sùng Phài được biết đến là địa phương có nghề truyền thống nấu rượu Mông Kê nổi tiếng bởi vị thơm, đậm đà tạo dư vị khó quên. Gia đình chị Vừ Thị Dê (bản Sùng Chô) duy trì nghề nhiều năm, được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua. Qua lời kể của chị, để rượu ngon, khâu lựa chọn nguyên liệu được quan tâm và phải là những bắp ngô, bông kê đẹp nhất trong vụ, bảo quản nghiêm ngặt để không bị nấm mốc. Công đoạn nấu luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày gia đình chị nấu 1 nồi được 20 lít rượu với giá trung bình 40 nghìn đồng/lít. Rượu Mông Kê có mùi thơm đặc trưng, chất lượng, được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình liên hệ đặt mua làm quà biếu.
Ngày nay, nghề thêu dệt thổ cẩm được đồng bào dân tộc Mông ở xã Sùng Phài gìn giữ, phát triển. Nếu có dịp đến bản du lịch Gia Khâu 1, du khách sẽ dễ dàng gặp những cô gái dân tộc Mông trong trang phục sặc sỡ cần mẫn ngồi thêu từng họa tiết hoa văn trên bộ váy áo cho các thành viên trong gia đình. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống từ dệt thổ cẩm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Tổ thêu dệt thổ cầm gồm 15 thành viên ở các bản: Sùng Chô, Gia Khâu 2, Lùng Thàng; mở 6 gian hàng ở chợ Nậm Loỏng bán các mặt hàng làm từ thổ cẩm. Trung bình mỗi năm, Tổ bán được 100 bộ váy áo, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển, mở rộng các nghề truyền thống tại thành phố Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn: các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình nên sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, đầu ra không ổn định. Nguồn vốn từ ngân sách của thành phố đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một số nghề truyền thống địa phương còn hạn chế, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp vào hợp tác đầu tư.
Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo đà cho ngành Du lịch phát triển, ông Bùi Hữu Cam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết: “Thời gian tới, UBND thành phố sẽ lồng ghép các nguồn vốn để phát triển ngành nghề truyền thống, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Cùng với đó, duy trì nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chợ phiên, chợ đêm San Thàng gắn với ẩm thực dân tộc. Phát huy, nâng cao chất lượng ẩm thực dân tộc Giáy và ẩm thực các dân tộc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phong phú, đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng quy hoạch lại, bố trí khu vực bán, giới thiệu nông sản và sản vật địa phương. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với hộ dân trên địa bàn cùng sản xuất, tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Tích cực tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Hà Tĩnh