Hoạt động của ngành

Trạm Tấu: Khi người dân vùng cao làm du lịch

Cập nhật: 24/12/2020 08:58:38
Số lần đọc: 895
Trong tiết trời đông, trên những triền đồi vùng cao vàng rực hoa dã quỳ, hàng ngàn bông hoa nhất tề bung nở xua tan cái buốt lạnh. Cũng vì thế, con đường về bản du lịch Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu dường như ngắn lại.


Cảm giác vui sướng của đoàn du khách khi chạm đỉnh Tà Chì Nhù. (Ảnh minh họa)

Ở trên độ cao hơn 1.000 m, đỉnh núi Cu Vai bằng phẳng, nhà dân được bố trí sắp đặt liền kề như một phố núi thu nhỏ giữa đại ngàn. Chỉ riêng năm 2020, Cu Vai đã đón khoảng trên 3.000 lượt khách lên thưởng ngoạn vẻ đẹp say đắm lòng người của miền sơn cước này.

Trong tiết trời se sắt, hàng trăm cây hoa đào ở Cu Vai bung nở. Con đường từ bản Hát, xã Hát Lừu lên Cu Vai trải dài sắc hồng của đào phai, sắc trắng của hoa lau xen lẫn màu xanh mỡ màng của những triền cỏ voi bạt ngàn, còn những thảm hoa rừng xanh, đỏ, tím, trắng như một thảo nguyên thu nhỏ với thế giới thực vật sống động. Trai làng, gái bản tranh thủ chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Ai cũng háo hức, nụ cười đọng lại mãi trên môi thiếu nữ khiến trái tim du khách như tan chảy, quyến luyến mãi không nỡ bước đi. 

Đoàn phượt của nhóm bạn trẻ ở Hà Nội do Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã đến Trạm Tấu lần thứ 3 và cả 3 lần các bạn đều dành thời gian để đến Cu Vai. Tuấn Anh chia sẻ: "Bạn gái mình thích chụp ảnh ở thảo nguyên hoa ở Cu Vai nên lần nào lên với Trạm Tấu, mình cũng đưa bạn gái lên đây. Với mình, Cu Vai nói riêng và Trạm Tấu nói chung là miền đất thật hấp dẫn, người dân thì mộc mạc và mến khách”. 

Bạn gái của Tuấn Anh, cô gái Hải Dương tên Thu Hoài dường như sợ biển mây trắng bồng bềnh tan biến mất nên liên tục đưa smartphone lên ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên. Hoài hồn nhiên: "Cu Vai đẹp quá chị ạ! Cái đẹp hoang sơ, mộc mạc rất hấp dẫn. Lên đây, chúng em chụp ảnh rồi nghỉ ở homestay của người dân, đến chiều quay về suối nước nóng. Trong chuyến trải nghiệm Trạm Tấu lần này, em nhất định phải đến khu rừng cổ tích Tà Xùa – Bản Công nữa ạ!”.

Quê hương đổi mới, những nông dân ở Cu Vai vốn chỉ biết trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc nay cải tạo nhà ở làm du lịch homestay, nuôi gà đen, lợn bản địa, làm các món ăn truyền thống phục vụ du khách, trong đó có homestay của Mùa A Dơ. 

Năm 2020, Cu Vai thu hút khoảng trên 3.500 lượt khách, có rất nhiều khách trong số này đã nghỉ qua đêm và nghỉ trưa, ăn trưa tại gia đình Dơ. Dơ còn liên lạc với các bạn trẻ làm xe ôm đưa khách từ thị trấn Trạm Tấu lên Cu Vai với giá 200.000 đồng/lượt. Dơ thu về từ du lịch khoảng 40 triệu đồng/năm. Số tiền đối với vùng thấp chưa lớn nhưng ở vùng núi thì đây chính là con đường mở hướng thoát nghèo.

Ở Trạm Tấu, ngoài phố núi Cu Vai, còn có khu rừng đẹp như cổ tích, đó là Tà Xùa – Bản Công. Khu rừng với những cây gỗ không định tuổi với dấu vết của thời gian được phủ kín bởi các loại dây leo rừng, rêu đá cùng thảm thực vật, động vật vô cùng phong phú. Tới đó, du khách có cảm giác như bước vào khu rừng cổ tích kỳ bí, đầy mê hoặc. 

Trong tiết đông, Tà Xùa như một biển sương mờ mờ, ảo ảo, du khách có cảm giác như tay với được mây, chạm được đến trời. Càng bước vào khu rừng kỳ bí càng muốn lạc lối chẳng muốn rời. Có lẽ vì thế mà Tà Xùa – Bản Công đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến chinh phục. 

Ông Giàng A Trư – Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Sức hấp dẫn của khu rừng Tà Xùa ngày càng tăng khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Đây cũng là cơ hội để người dân vùng cao phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trước hết là trồng khoai sọ, gà đen, gạo nếp để bán cho du khách. UBND xã cũng đã có kế hoạch tổ chức các trò chơi truyền thống, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Mông để thu hút khách trong dịp xuân này”.

Nhắc đến Trạm Tấu không thể không nhắc đến Tà Chì Nhù - đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam. Lên đây, du khách được cưỡi ngựa, săn mây, ngắm hoa mật rồng với một thảo nguyên xanh bao la với cả nghìn chú dê, ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. 

Trên đỉnh núi này, có người nông dân Thào A Tủa đã viết nên một câu chuyện cổ tích. Nay những nông dân ở đây còn xây dựng điểm dừng chân đủ cho khoảng 200 du khách nghỉ đêm trong hành trình chinh phục đỉnh núi với giá 100.000 đồng/người, mang về thu nhập bền vững. 

50 năm gắn bó với huyện Trạm Tấu, ông Trịnh Văn Xuê – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu là người có tâm huyết với sự nghiệp phát triển du lịch huyện Trạm Tấu, ông từng 10 lần chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. 

Ông Trịnh Văn Xuê cho biết: "Mỗi lần chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, chúng tôi gặp rất nhiều các bạn trẻ, ai cũng hào hứng chinh phục thiên nhiên hùng vĩ. Đồng bào Mông được sự quan tâm của các cấp, các ngành đã nhanh nhạy, chủ động sáng tạo trong làm du lịch, đặc biệt là cung cấp dịch vụ và các sản phẩm du lịch đặc thù. Tôi tin tưởng, trong tương lai gần, Trạm Tấu sẽ còn thu hút được rất nhiều khách du lịch nữa”.

Đến Trạm Tấu, du khách nhất định sẽ bị mê hoặc không chỉ bởi thiên nhiên hùng vĩ mà còn được trầm mình trong dòng nước nóng thiên nhiên ở khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cường Hải cách thị trấn chưa đầy 1 km. Nơi đây được ví như 1 "tiểu Ba-li” giữa miền sơn cước. Du khách còn được đi dưới rừng thông xanh được ví như Đà Lạt thứ 2 ở Tây Bắc và khu rừng pơ mu 20 năm tuổi ở Tà Xùa giống như đường về nơi tiên cảnh.

Trước tiềm năng, thế mạnh của địa phương về du lịch phượt, du lịch mạo hiểm, những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp thiết thực, thu hút mời gọi đầu tư làm du lịch, huyện đã tranh thủ sự quan tâm của tỉnh để hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu làm du lịch.

Từ năm 2016 đến năm 2020, tổng số kinh phí hỗ trợ cho hoạt động du lịch được thực hiện là 840 triệu đồng; trong đó, thu gom rác thải tại thị trấn có hoạt động du lịch cộng đồng và địa điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các hộ dân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; thành lập và duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ các hạng mục đường mòn, biển cảnh báo tại đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công. 

Bên cạnh đó, huyện đã lựa chọn các hộ gia đình, cơ sở chuyên sản xuất với số lượng lớn các sản phẩm đồ lưu niệm, đặc sản địa phương như: dao của người Mông (3 hộ); trang phục dân tộc Mông (2 hộ); nhạc cụ dân tộc (2 hộ); khoai sọ (10 hộ); gạo nương, gạo chí chủa (10 hộ); quả sơn tra (10 hộ); thảo quả (3 hộ); măng ớt (3 hộ làm); chè Shan Tà Xùa (2 hộ); chè Shan Phình Hồ (2 hộ).

Năm 2020, huyện Trạm Tấu đã tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại 2 xã Hát Lừu, Bản Công, Xà Hồ và thị trấn Trạm Tấu; thành lập Hợp tác xã Du lịch suối khoáng nóng Cường Hải tại tổ dân phố số 3, thị trấn Trạm Tấu; 2 hộ thực hiện dịch vụ du lịch homestay. 

Hiện nay, toàn huyện có 15 cơ sở lưu trú; trong đó, 5 nhà nghỉ, 10 cơ sở lưu trú đủ điều kiện chuẩn kinh doanh lưu trú với 78 phòng, 170 giường. Các cơ sở lưu trú du lịch đã tăng cường duy tu bảo dưỡng trang thiết bị nên chất lượng dịch vụ đã tốt hơn so với năm trước.

Toàn huyện có tổng số 6 hộ và 1 hợp tác xã hoạt động du lịch homestay đảm bảo điều kiện về các quy định của Nhà nước và cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Các hợp tác xã du lịch ngoài việc quảng bá tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức các tour du lịch như thành lập 5 đội văn nghệ dân tộc Mông, Thái; biểu diễn tại các điểm du lịch, phát triển các món ăn dân tộc như  Bánh dày, nộm rau rừng, lợn quay, gà đen, cá nướng, cơm lam ống nứa, xôi ngũ sắc, thịt sấy gác bếp hấp dẫn du khách. Vì vậy, trong năm 2020, thu hút khoảng 30.000 lượt khách, ước doanh thu đạt 18 tỷ đồng, bên cạnh đó còn tạo việc làm, tăng thu nhập từ hoạt động du lịch cho người dân trên địa bàn huyện. 

Bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: "Để tiếp tục phát triển du lịch huyện Trạm Tấu, Phòng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện tổ chức các lễ hội, Lễ hội Gầu Tào năm 2021 nhằm nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương về phát triển du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều các sản phẩm du lịch mới; xây dựng website du lịch của huyện, mở các lớp kỹ năng du lịch, xây dựng, bảo tồn các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian...”.

Trạm Tấu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách bởi chính nét đẹp nguyên sơ và sự mến khách. Dẫu biết rằng, khó khăn còn rất nhiều nhưng tin tưởng rằng với những gì đã làm được, du lịch sẽ là hướng đi thoát nghèo bền vững cho người dân vùng cao.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục