Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Kết nối xây dựng tour, tạo điểm đến an toàn

Cập nhật: 25/12/2020 09:51:18
Số lần đọc: 1009
Vừa qua, Sở Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành khảo sát các điểm đến để đánh giá, góp ý dịch vụ và kết nối tour tuyến vào mùa mưa, khi các dịch vụ ngoài trời bị hạn chế.


Đoàn khảo sát tham quan thao diễn nghề truyền thống tại Không gian văn hóa Lục Bộ

Tạo câu chuyện, tăng ấn tượng cho khách

Để bổ sung, tăng thêm sự lựa chọn, đa dạng các tour tuyến, tăng sức hút cho du khách bên cạnh thế mạnh tham quan di sản, đoàn đã đến khảo sát dịch vụ ở những địa điểm trên và gần trung tâm TP. Huế, như Không gian văn hóa Lục Bộ (đường Nguyễn Chí Diểu), Trúc Chỉ Garden (đường Thạch Hãn), Nhà vườn Hồ Xuân Đài (phường Thủy Biều, TP. Huế), trải nghiệm dịch vụ thuyền HRS ngắm mưa trên sông Hương (bến Nghinh Lương Đình)…

Tại Không gian văn hóa Lục Bộ, điểm du lịch trải nghiệm về văn hóa truyền thống, làng nghề trong không gian đậm chất Huế đã được khai thác nhiều năm qua, các doanh nghiệp đánh giá, việc khai thác dịch vụ và cách sắp xếp lộ trình các điểm thao diễn làng nghề chưa phù hợp, sẽ rất khó để tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách. Đại diện Công ty Du lịch Restour góp ý, khi đưa khách đến tham quan nên tập trung tại một điểm trước, phục vụ trà cung đình, đồng thời giới thiệu tổng thể các dịch vụ tại không gian. Sau đó, đưa du khách lần lượt trải nghiệm làng nghề và các dịch vụ khác. Không nên để khách vào không gian, chưa hình dung tại đây có những gì mà đã tham gia trải nghiệm làm hương, hay làm diều ngay tại bên cạnh cổng vào.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế chia sẻ, không gian Lục Bộ quá đẹp, nhưng cảm giác rất lãng phí khi vào tham quan. Khách vào tham quan và trở ra mà không có ấn tượng gì. Trong khi đó, yếu tố ấn tượng là rất quan trọng trong du lịch. Vì vậy, cần thay đổi bằng cách xâu chuỗi, xây dựng một câu chuyện về lịch sử ngôi nhà, kiến trúc, các làng nghề góp mặt ở đây, nguồn gốc, cách pha chế trà cung đình mà du khách được mời uống… Khi đã ấn tượng ban đầu, du khách sẽ có cảm nhận trân trọng và tò mò hơn khi sử dụng các dịch vụ.

Một tồn tại chung các điểm đến đang bị vấp phải được các doanh nghiệp chỉ ra là chưa xác định rõ giữa hai mặt: tổ chức ra một không gian để thưởng thức văn hóa và kinh doanh du lịch. Do đang đặt nặng về tính bảo tồn, giới thiệu văn hóa mà các điểm đến không đầu tư nhiều về mặt vận hành, chỉnh chu dịch vụ. Khi đó, một tình huống khác là các điểm đến không có nguồn thu nhập ổn định, dẫn đến cắt giảm nhân viên, các dịch vụ và lâu dần sẽ càng mất sức hút.

“Các điểm đến cần phải rạch ròi giữa kinh doanh và bảo tồn, giới thiệu văn hóa. Kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa cũng là kinh doanh. Mục tiêu để tạo ra điểm đến thu hút khách thì bắt buộc phải ưu tiên tính chuyên nghiệp và hoàn thiện dịch vụ. Do đó cần có đủ lượng nhân viên, hướng đến tính trải nghiệm, tìm hiểu nhiều hơn là tham quan, mua sắm đặc sản”, ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Huế góp ý.


Doanh nghiệp góp ý cho các điểm đến hoàn thiện dịch vụ

Kết nối tạo thành city tour

Ông Trần Minh Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm, Sở Du lịch cho biết, ngoài mục tiêu góp ý cho các điểm đến hoàn thiện dịch vụ, chuyến khảo sát cũng hướng đến các doanh nghiệp lữ hành kết nối các điểm đến để xây dựng tour du lịch. Có thể hình thành một hoặc các city tour mới phù hợp, giúp du khách có trải nghiệm mới, phục vụ nhu cầu thị trường khách nội địa mà ngành du lịch đang tập trung kích cầu trong thời gian đến.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, những điểm đến khảo sát chỉ có Không gian Lục Bộ là còn một số vấn đề trong cách thức khai thác, phục vụ khách, còn Trúc Chỉ Garden, nhà vườn ở Thủy Biều, thuyền HRS đã hoàn thiện được dịch vụ, quan trọng là làm sao để kết nối và hình thành tour tuyến phù hợp, phát huy thế mạnh của từng điểm. Một điểm chung dễ nhận thấy tại các điểm là dịch vụ được tổ chức linh hoạt, có thể trong và ngoài nhà. Rất thuận lợi để khách trải nghiệm mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa của Huế hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, những trải nghiệm như làm giấy, làm tranh trúc chỉ, làm hoa giấy, làm nón lá sen, làm kẹo mè, mứt gừng ở Thủy Biều và sau đó được viết tặng một bức thư pháp là những trải nghiệm rất thú vị khi kết hợp với tham quan, khám phá di sản. City tour 1 ngày khám phá di sản, kết hợp với khám phá, trải nghiệm văn hóa Huế, làng nghề truyền thống sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm cho Huế.

Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, ông Trương Thành Minh cho biết, lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng Huế đơn điệu dịch vụ và nhất là trong thời điểm mùa mưa, các dịch vụ ngoài trời không thể diễn ra. Việc kết nối, tạo ra các tour tuyến lần này là rất cần thiết. Ngay sau buổi khảo sát, hội sẽ hình thành ngay các tour để bán ra thị trường, dự kiến trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2021 sẽ phục vụ du khách khi đến Huế.

Ông Trần Minh Tân cho biết, thông qua chuyến khảo sát này, Sở Du lịch sẽ đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Những điểm đến chưa đảm bảo sẽ được nhắc nhở và hướng dẫn thêm. Khi các điểm đến đạt được những chỉ số an toàn sẽ được tích hợp vào bản đồ du lịch (blue map) các điểm đến an toàn mà ngành du lịch đang xây dựng. Đây cũng là lời khẳng định đến du khách các điểm đến đảm bảo các tiêu chí để phục vụ khách.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục