Phát triển du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng hậu COVID-19
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Thế Phong
Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành kinh tế du lịch cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trong năm 2020, Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 9,8 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 3/2020, Sở Du lịch thành phố đã phải gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng khai thác khách đi và đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch, tạm dừng các hoạt động lữ hành nội địa, dừng dịch vụ booking du lịch trực tuyến; các điểm du lịch cũng ngừng phục vụ khách.
Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2, cả ngành du lịch Đà Nẵng gần như “kiệt sức”. Khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, đạt 34,3% kế hoạch, giảm 62,6% so với năm 2019, trong đó, khách quốc tế giảm 69,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, giảm 40,7%. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch chịu tác động mạnh nhất, kéo theo các lĩnh vực khác cũng bị ngưng trệ.
Còn tại Quảng Nam, tổng lượng khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt, 1.467.400 lượt khách, giảm 81% so với cùng kỳ 2019; doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2020 ước đạt 1.068 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2019. Ước thiệt hại của ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là trên 6.000 tỷ đồng. Khoảng 14.000 lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tạm ngừng việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc. Dự báo, tình trạng khó khăn của ngành du lịch sẽ còn kéo dài.
Trước những khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bên cạnh những chính sách do Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay, thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ người lao động… Quảng Nam và Đà Nẵng đã chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, để phục hồi, phát triển du lịch sau COVID-19.
Đến nay, mặc dù dịch bệnh được kiểm soát trong cộng đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể mở cửa đón khách trở lại do đã vào mùa mưa bão và tâm lý lo lây lan dịch trở lại khi đi du lịch thời điểm này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì doanh nghiệp khó duy trì kinh doanh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, các địa phương, ngành du lịch cần cập nhật triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân; tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch và thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp du lịch hoạt động. Tiếp tục nâng cao sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch dịch vụ mới sẵn sàng phục vụ du khách khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ở khu vực và quốc tế.
Tiếp tục triển khai công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch “3 địa phương, một điểm đến” giữa Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Đẩy mạnh liên kết du lịch miền Trung với trung tâm Hà Nội, TPHCM và các khu vực khác. Tăng cường hợp tác công-tư trong quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến an toàn và thân thiện; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, truyền thông để xúc tiến, quảng bá.
Tổ chức kích cầu du lịch bằng chuỗi các sự kiện vào cuối năm 2020; tiếp tục xây dựng, triển khai gói kích cầu du lịch năm 2021. Đẩy mạnh truyền thông giới thiệu, quảng bá các gói kích cầu du lịch trên truyền thông, ấn phẩm du lịch và trên mạng xã hội. Tổ chức chương trình tour ưu đãi du lịch nội địa nhằm khuyến khích người dân đi tham quan, du lịch vào dịp cuối năm và Tết cổ truyền, tạo không khí sôi động cho hoạt động du lịch.
PGS.TS Hồ Việt Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng sau dịch COVID-19, sự hồi phục của ngành du lịch nội địa sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác. Việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa là một giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2020, cũng là cơ hội vàng để du khách nội địa khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa biết đến của Việt Nam. Đây được xem là một chủ trương kịp thời mang lại hiệu quả cho ngành du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.