Trà Vinh phát triển du lịch “xanh”
Khách du lịch thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi tại cồn Hô.
Những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, giáp với biển Đông nên có sự đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng - điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Bên cạnh đó, với 30% dân số là người Khmer, Trà Vinh có nền văn hóa Khmer đặc trưng, tạo nên các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Đó chính là những tiềm năng, lợi thế để Trà Vinh phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái - cộng đồng gắn với du lịch văn hóa.
Trà Vinh hiện đang phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu tại cồn Chim và cồn Hô. Cồn Chim thuộc ấp cù lao cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), có diện tích tự nhiên 60ha. Đây là điểm du lịch cộng đồng mới và khác biệt. Người dân trên cồn làm du lịch theo xu hướng hoàn toàn “thuận thiên”. Họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi nói “không” với rác thải nhựa; không dùng các hình thức khai thác tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của nguồn thủy sản và không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình trồng lúa, rau, cây ăn quả. Đến với cồn Chim, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống dân dã, được thưởng thức các món ăn địa phương... Điểm “cộng” cho nơi đây là nguồn thực phẩm tươi, sạch do chính người nông dân nuôi trồng, chế biến.
Tại cồn Hô (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long) hiện có 21 hộ dân sinh sống, một nửa trong số đó tham gia làm du lịch, dịch vụ. Đặc điểm nổi bật của người dân nơi đây là thật thà, mến khách và vẫn giữ tính cách đặc trưng của người dân Tây Nam Bộ. Đến với cồn Hô, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi trải nghiệm đặc biệt: Du lịch không điện về đêm. Người khởi xướng cho sản phẩm này là ông Thạch Kim Quốc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đại Hưng. Chia sẻ về sản phẩm độc đáo này, ông Hưng nói: “Nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm không trùng lặp, chúng tôi khai thác điểm nhấn là khám phá cồn Hô không điện về đêm. Tại cồn Hô hiện nay vẫn chưa có điện lưới. Du khách sẽ khám phá cồn Hô về đêm, cùng bà con ăn tối trong ánh đèn dầu để cảm nhận sự ấm áp, quây quần của gia đình. Sau đó, du khách sẽ đi thăm cồn Hô vào buổi tối bằng đèn măng-sông...”.
Phát triển bền vững
Kể từ khi bắt đầu làm du lịch, nhận thức và cuộc sống của người dân ở cồn Hô ngày càng được nâng cao. Ông Hai Nguyên, một trong những người đầu tiên tham gia làm du lịch cộng đồng ở cồn Hô cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết làm nông nghiệp, không ai nghĩ rằng ở đây có thể đón khách du lịch và sống được bằng nghề này. Nhưng từ khi được hướng dẫn cách làm du lịch, chúng tôi nhận ra rằng cồn Hô cũng sẽ được nhiều người biết đến nếu mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường, học hỏi và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách”.
Là doanh nghiệp thường xuyên đưa khách về Trà Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Travelogy Việt Nam Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Trà Vinh đã thay đổi rất nhiều so với 10 - 15 năm trước. Đặc biệt, các mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Để thu hút du khách đến Trà Vinh và kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, tỉnh cần phát triển thêm các sản phẩm bổ trợ, kết nối các điểm đến là di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội, làng nghề để tạo nên sản phẩm khác biệt”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Dương Hoàng Sum: “Hiện nay, Trà Vinh đang tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó yếu tố văn hóa Khmer được khai thác đậm nét. Điển hình là tour tham quan Làng Văn hóa Du lịch Khmer Trà Vinh gắn với các điểm du lịch sinh thái - cộng đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng các điểm, tuyến du lịch đến các hộ dân Khmer để gia tăng trải nghiệm cho du khách; đồng thời hỗ trợ người dân kinh phí để tu sửa các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách... Chúng tôi nhận thức được rằng, chỉ có kết hợp văn hóa bản địa với các mô hình du lịch cộng đồng thì mới tạo nên một nền kinh tế du lịch "xanh" bền vững”.