Vĩnh Phúc: Để Tam Đảo phát huy ngành kinh tế mũi nhọn
Tam Đảo nằm ở phía Đông của tỉnh. Trên địa bàn huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đa dạng và phong phú, với những địa danh nổi tiếng như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, sân golf, rừng quốc gia Tam Đảo…
Tiềm năng là vậy nhưng trước đây, Tam Đảo chỉ thu hút được một lượng khách khá khiêm tốn.
Nguyên nhân là do hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và không đồng bộ; sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu; các dịch vụ bổ trợ thiếu tính chuyên nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 43 - CTr/HU ngày 23/72018 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hằng năm, UBND huyện kiện toàn BCĐ phát triển du lịch của huyện; ban hành kế hoạch phát triển du lịch; kế hoạch khai trương du lịch Tam Đảo và tổ chức các hoạt động hội chợ, quảng bá cho du lịch của huyện.
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được huyện quan tâm bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở; làm phóng sự tuyên truyền về lễ hội và du lịch Tây Thiên, các khu, điểm du lịch của huyện; bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong huyện; phối hợp sản xuất chương trình truyền hình chuyên đề “Sắc màu dân tộc” để giới thiệu những nét văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện...
Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện in cuốn sách di sản văn hóa Tam Đảo; cấp phát tờ rơi, tờ gấp; làm hệ thống pano cổ động giới thiệu về các khu du lịch của huyện; xây dựng 2 màn hình tại trung tâm huyện và Khu danh thắng Tây Thiên; đăng ký sử dụng các màn hình điện tử ở thành phố Vĩnh Yên, tích cực tham gia các hội chợ quảng bá du lịch trong nước… để người dân và du khách biết đến những tiềm năng, thế mạnh du lịch của Tam Đảo.
Huyện đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Trong những năm qua, huyện thu hút được hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển du lịch.
Nhiều dự án trong lĩnh vực này được triển khai như: Khu du lịch Tam Đảo 2, khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort, khu công viên thị trấn Tam Đảo, Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 2B đoạn từ đền Chân Suối đến Khu du lịch Tam Đảo...
Một số dự án tiếp tục được phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư như khu du lịch sinh thái hồ Xạ Hương, Hồ Làng Hà, Bản Long, dự án sân golf..., góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.
Hệ thống các cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp. Tại Khu danh thắng Tây Thiên, hệ thống cáp treo và dịch vụ xe điện đã đi vào hoạt động.
Huyện đang tiếp tục hoàn thiện Khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên; một số các đền, chùa Thiền viện Trúc lâm trong hệ thống Khu danh thắng Tây Thiên sẽ được trùng tu, tôn tạo.
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện có sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và quy mô.
Nếu như năm 2011, toàn huyện có 85 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng thì đến nay, có 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp và 168 khách sạn, nhà nghỉ, homestay, với tổng số hơn 3.200 phòng.
Các cơ sở lưu trú đều đảm bảo tiêu chuẩn đón khách du lịch; trong đó, có 1 số khách sạn cao cấp như: Venus; Belvedere Resort; Nam Á; Royal Huy…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Tam Đảo đang ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Điều đó được thể hiện ở số lượt khách du lịch đến với Tam Đảo trong những năm gần đây không ngừng tăng lên. Năm 2011, huyện đón khoảng 244.700 lượt khách; đến năm 2019 đón trên 1.500.000 lượt khách.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid - 19, song từ dịp nghỉ lễ 30/4 đến nay, lượng khách đến Tam Đảo đã tăng trở lại.
Tính đến hết tháng 11/2020, huyện đón khoảng 500.000 lượt khách đến tham quan, hành hương, vãn cảnh. Trong đó, Khu danh thắng Tây Thiên đón khoảng 210.000 lượt khách; thị trấn Tam Đảo đón khoảng 290.000 lượt khách.
Thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển du lịch, dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án làng văn hóa du lịch dân tộc Sán Dìu và Đề án phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình Homestay để làm cơ sở cho việc thực hiện và khai thác tiềm năng du lịch.
Làm tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch; chú trọng nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du lịch… nhằm đánh thức tiềm năng, từng bước đưa du lịch Tam Đảo “cất cánh”.
Bài, ảnh: Thanh Huyền