Đắk Nông: Giữ gìn, khai thác vốn quý để thúc đẩy du lịch công viên địa chất phát triển
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông hội tụ đầy đủ các giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh thái và văn hóa tộc người. Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, Đắk Nông còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình, với địa hình thung lũng núi đồi xen kẽ, những hồ nước nên thơ và hệ thống thác nước tuyệt đẹp. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái rừng, động vật, thực vật có nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, nhiều ốc đảo lớn nhỏ. Đắk Nông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
Thác Đray Sáp-một thắng cảnh đẹp nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Tuy nhiên, có nhiều lợi thế nhưng du lịch tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều thách thức, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, người dân đang sống ở trên vùng di sản, tài nguyên về du lịch rất phong phú nhưng lại chưa biết cách khai thác sao cho hiệu quả.
Vì vậy, các ngành chức năng phải chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình phát triển kinh tế cần có ý thức về bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn, khai thác các vốn quý mà thiên nhiên ưu đãi mới có thể thúc đẩy du lịch phát triển một cách bền vững.
Dưới sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch công viên địa chất gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay” và “Âm vang từ Trái đất”, với 44 điểm di sản. Trong đó, hệ thống hơn 100 hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á là di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Đắk Nông.
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, kể từ khi tỉnh Đắk Nông bắt tay vào xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu đến nay, Ban Quản lý cùng chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản vùng công viên địa chất để phát triển du lịch nhưng thực tế kết quả chưa được như mong muốn.
Do đó, để phát huy hơn nữa giá trị của Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông, Ban quản lý đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức cho người dân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các đối tác.
Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông rất phong phú, đa dạng
Hiện tại, Ban Quản lý đang tham mưu UNND tỉnh xây dựng Đề án "Khoanh vùng di sản và phương án bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông" để quy hoạch, làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang nỗ lực kêu gọi, khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp đầu tư, phát triển đồng bộ các sản phẩm phục vụ du lịch. Tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với các điểm di sản địa chất; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng theo chủ đề của công viên địa chất nhằm tạo sự khác biệt, có tính sáng tạo và sức cạnh tranh.
Tại Hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư du lịch tỉnh Đắk Nông năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã bày tỏ mong muốn thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch mạnh, có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch lớn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch tỉnh phát triển một cách bền vững. Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư kinh doanh năng động và hiệu quả.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng