Tập trung khai thác 4 lợi thế về du lịch Quảng Trị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho rằng, truyền thông về du lịch cần khai thác hình ảnh các lợi thế để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch - Ảnh: L.T
Năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị triển khai công tác quảng bá, truyền thông nhằm truyền tải các hình ảnh, thông điệp, sản phẩm, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Trị đến với du khách, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Đơn vị đã xây dựng 4 tập gấp song ngữ Việt – Anh để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch đặc trưng của Quảng Trị như “Giếng cổ Gio An - Suối nguồn ngàn năm”, “Thành Cổ Quảng Trị - Dòng sông hoa đăng”, “Địa đạo Vịnh Mốc – Sức sống mãnh liệt từ lòng đất”, “Cồn Cỏ - Hòn ngọc giữa biển xanh”; phát hành 2.000 cuốn sổ tay và bản đồ gấp cầm tay về du lịch Quảng Trị.
Phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức cuộc thi “Đại sứ du lịch Quảng Trị” thông qua các clip ngắn giới thiệu về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch của Quảng Trị; phối hợp với Tạp chí Good Morning (Hàn Quốc) đưa các điểm đến du lịch Quảng Trị đến với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc; phối hợp truyền thông các sản phẩm du lịch tại các hội nghị lớn như: Gặp gỡ Nhật Bản, gặp gỡ Hàn Quốc, Nhật Bản và miền Trung Việt Nam...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đề xuất một số nội dung sẽ tập trung triển khai trong năm 2021 như: Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, ấn phẩm du lịch; tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá du lịch thông qua internet và truyền thông kỹ thuật số, các hoạt động truyền thông tại chỗ; quảng bá du lịch thông qua các hội chợ du lịch cũng như các hoạt động xã hội quảng bá, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài.
Xây dựng một số clip ngắn có chất lượng cao về quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Trị và hợp đồng phát sóng trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế, góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch; phối hợp các hãng hàng không của Việt Nam để tiếp cận và xúc tiến quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch Quảng Trị trên hệ thống truyền thông của các hãng hàng không nhằm tiếp cận với lượng khách hàng lớn có nhu cầu và khả năng đi du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Đồng thời đề nghị bố trí kinh phí để phát triển thêm các sản phẩm truyền thông hiện có, làm phong phú thêm các sản phẩm quảng bá du lịch địa phương thông qua các trang, kênh trên nền tảng mạng xã hội. Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai xây dựng logo và slogan về du lịch Quảng Trị.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị liên quan cho rằng trong điều kiện kinh tế tỉnh còn hạn chế, bộ sản phẩm truyền thông về du lịch cần tính toán đưa ra sản phẩm quảng bá hợp lý dựa trên cơ sở định hướng của tỉnh, đặc biệt là cần đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch; clip quảng bá du lịch cần khai thác thế mạnh hình ảnh về biển, du lịch cộng đồng. Cần tổ chức hội thảo về du lịch tâm linh. Cần tận dụng tối đa sự lan tỏa của mạng xã hội để truyền thông về du lịch, có thể tổ chức trải nghiệm thực tiễn và thực hiện truyền thông trực tiếp thông qua mạng xã hội để tăng tính tương tác…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, so với các tỉnh, thành trong khu vực, du lịch Quảng Trị cần tập trung vào khai thác 4 lợi thế về: Du lịch tri ân và tâm linh; du lịch cách mạng; du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây và du lịch biển đảo. Vì vậy, truyền thông về du lịch cần khai thác hình ảnh về các lợi thế trên để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch. Về bộ sản phẩm truyền thông du lịch, cần rà soát, tổng hợp và phân loại để sử dụng sản phẩm truyền thông dựa trên nền tảng mạng xã hội, truyền hình, báo chí hay truyền miệng để tác động đến thị trường khách du lịch. Cần định vị thị trường du lịch Quảng Trị, chủ yếu là khách du lịch nội địa để tập trung khai thác.
Lâm Thanh