Điện Biên: Ðào tạo, bồi dưỡng nhân lực lĩnh vực du lịch
Ðiện Biên là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với nhiều sản phẩm độc đáo; mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, tham quan và khám phá. Song bên cạnh sự phát triển của các hoạt động và dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi ngành Du lịch cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch.
Thuyết minh viên giới thiệu cho du khách về những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Ðức Linh
Thống kê của ngành VHTT&DL, năm 2019 số lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên khoảng trên 14.000 người. Trong đó, khoảng 6.000 lao động trực tiếp, 8.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nên một số đơn vị đã cắt giảm giờ làm, cho nhân viên nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nhằm cắt giảm chi phí và duy trì hoạt động. Vì vậy, thời điểm hiện tại tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch hiện còn khoảng 6.000 người, trong đó khoảng 2.500 lao động trực tiếp và 3.500 lao động gián tiếp. Không chỉ giảm về số lượng mà chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay tại tỉnh ta còn yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn hoạt động và phục vụ theo thói quen, kinh nghiệm. Ða phần lao động trong lĩnh vực du lịch tại Ðiện Biên đều là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Một phần là do các đơn vị kinh doanh du lịch chủ yếu có quy mô nhỏ và hộ gia đình, người đứng đầu đơn vị còn thiếu kiến thức về quản lý kinh doanh du lịch. Cùng với đó, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của đội ngũ lao động chưa đầy đủ, chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác bồi dưỡng chất lượng người lao động; phần lớn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện nay không biết sử dụng ngoại ngữ. Ðây là hạn chế rất lớn, ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng phục vụ du lịch của tỉnh; hạn chế tạo ra các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao và ảnh hưởng tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Ðiện Biên một cách bền vững.
Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL chia sẻ: Ðể từng bước khắc phục những hạn chế trên, nâng cao chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch, Sở VHTT&DL đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được ngành quan tâm thực hiện là liên kết với các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị đào tạo nghề du lịch, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia đào tạo về du lịch tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý du lịch, trình độ tổ chức các hoạt động marketing, xúc tiến du lịch đối với cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. Ðồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề du lịch, kỹ năng giao tiếp, thuyết minh hướng dẫn và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch, các bản văn hóa du lịch trên địa bàn. Mặt khác, ngành cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan tổ chức; tổ chức các chuyến khảo sát, tham quan, học tập mô hình quản lý Nhà nước về du lịch, mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch tiên tiến, nổi bật trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch, các bản văn hóa nhằm nghiên cứu và áp dụng những mô hình tại đơn vị, địa phương. Sở VHTT&DL còn tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch nhằm đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của họ. Từ đó có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nếp sống văn minh du lịch tới các đơn vị kinh doanh và người dân tham gia làm du lịch tại các khu, điểm du lịch, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, Sở VHTT&DL sẽ sớm xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án về phát triển nguồn nhân lực du lịch theo chủ trương nêu trong nghị quyết, chương trình phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đã được ban hành. Ðồng thời, tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị doanh nghiệp, kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch, nghề du lịch cho đội ngũ quản lý, người lao động tại các doanh nghiệp du lịch, các bản văn hóa du lịch. Ngoài ra, Sở cũng khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tự tổ chức đào tạo cho đội ngũ lao động tại chỗ gắn với công việc cụ thể tại đơn vị nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút và giữ chân người lao động chất lượng...
Ðức Linh
Nguồn: baodienbienphu.info.vn