Hoạt động của ngành

Lào Cai: Gắn dạy nghề truyền thống với phát triển du lịch

Cập nhật: 22/12/2020 07:45:30
Số lần đọc: 893
Việc đào tạo nghề truyền thống cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai không chỉ góp phần vào việc bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc mà còn góp phần phát triển du lịch, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương.


Lớp tập huấn nghề thêu thổ cẩm ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát).

Lào Cai có hơn 5.000 lao động làm việc trong các làng nghề truyền thống. Đây cũng là lực lượng lao động để phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều lớp dạy nghề truyền thống cho lao động tại các địa phương.

Chị Vũ Thị Ly (thôn Mường Bo 2) cùng hơn 50 người dân xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) vừa được tham gia lớp tập huấn dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Xá Phó do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Chị Ly và mọi người được 5 nghệ nhân là những người có kinh nghiệm, còn giữ nhiều kỹ năng, kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào dân tộc Xá Phó truyền dạy nhiều kinh nghiệm quý báu. Chị Ly cho biết: Nghề thêu thổ cẩm đã có từ lâu nhưng các sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Được học nâng cao tay nghề, người dân sẽ biến các sản phẩm quen thuộc đó trở thành hàng hóa, được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài.

Vừa qua, tại xã Dền Sáng (huyện Bát Xát), Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã khai giảng lớp dạy nghề thêu, may thổ cẩm cho lao động nông thôn. Lớp học thu hút 30 học viên. Trong thời gian học tập, ngoài việc được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày, học viên còn được các nghệ nhân truyền đạt kiến thức, kỹ thuật cơ bản về nghề thêu, may thổ cẩm. Chị Phàn Lở Mẩy (thôn Ngải Chồ) bộc bạch: “Tham gia lớp học, chúng tôi được cầm tay chỉ việc nên nhanh chóng thành thạo nghề. Hy vọng những sản phẩm của chúng tôi sẽ bán được cho khách du lịch để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, Lào Cai đã đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 920 nông dân làm nghề truyền thống ở làng nghề. Cụ thể, nghề chạm khắc bạc có 34 học viên, nghề thêu thổ cẩm có 570 học viên, nghề sản xuất và chế biến miến dong có 131 học viên, nghề mây tre đan có 185 học viên. Ngoài ra, đã đào tạo, bồi dưỡng cho 100 nông dân sản xuất giỏi để bổ sung lực lượng người dạy nghề, tham gia đào tạo lao động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề. Song hành với công tác đào tạo nghề, hằng năm, sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung khoảng 3 - 5 tỷ đồng vào tổng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm cho các địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hợp tác xã, trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trong các làng nghề được vay vốn mở rộng sản xuất, thu hút người lao động vào làm việc. Đến nay, tổng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 200 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có hơn 10 nghìn dự án, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, tạo việc làm cho 17 nghìn lao động, trong đó có 60% lao động trong khu vực nông thôn và các làng nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc dạy nghề trong các làng nghề cũng đang đối diện với khó khăn, như chưa có bộ giáo trình đào tạo các nghề hoàn chỉnh phục vụ đào tạo nghề ở các làng nghề (nấu rượu, làm hương, chạm khắc bạc...) nên việc đào tạo trong các làng nghề chủ yếu truyền dạy theo kinh nghiệm truyền thống; nhiều lao động trẻ ở nông thôn chưa mặn mà với nghề truyền thống; sản phẩm làng nghề chưa phong phú và chưa tiếp cận được thị trường rộng rãi…

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung đào tạo mới, đào tạo nâng cao cho khoảng 58 nghìn lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng hơn 21 nghìn lao động và dự kiến cung cấp khoảng 3 nghìn lao động qua đào tạo cho các làng nghề. Đó sẽ là nguồn lực giúp xây dựng chuỗi làng nghề theo hướng phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với phát triển du lịch của từng địa phương nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục