Non nước Việt Nam

Nét đẹp làng cổ ven đê Thanh Cù, Hưng Yên

Cập nhật: 19/08/2020 09:56:18
Số lần đọc: 1642
Thôn Thanh Cù (tên thường gọi là làng Gò), xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động là một khu vực dân cư lâu đời của miền đất Phố Hiến-Hưng Yên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa và công trình cổ đặc sắc.


Một góc đình làng Thanh Cù.

Trời vừa tảng sáng, bà Nguyễn Thị Hoa đã tất bật bày biện đồ đoàn chuẩn bị cho buổi chợ Gò. Đã mấy chục năm nay, vào ngày họp chợ, bà Hoa bán cháo cá và bánh tẻ, những món ăn dân dã, thôn quê như bao quầy hàng khác ở đây. Mặc dù nằm ngay sát TP Hưng Yên, chợ Gò hơn trăm năm nay vẫn thế, cứ 5 ngày họp một lần vào các ngày tư, ngày chín (âm lịch) trong tháng. Tìm khắp chợ không có mặt hàng xa xỉ nào, chỉ vài con vật nuôi, mấy giống cây trồng, vài quầy ăn nho nhỏ, thậm chí có người chỉ đem mấy con cá rô đồng bắt được đêm hôm trước đến bán nhưng không vì thế mà chợ kém đông vui. Phiên chợ nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng đã tấp nập người từ bao thôn, xã trong vùng qua lại, buôn bán dưới mấy cái chòi chợ được xây dựng từ năm 1931. Bên cạnh chợ là di tích văn chỉ ghi danh những người đỗ đạt của quê hương và một công trình cổ khá to, thoáng nhìn như một kiến trúc đình chùa nhưng người dân nơi đây gọi là quán vật. Theo các cụ già kể lại, quán vật có từ trước khi chợ được xây mấy chục năm, là nơi xưa kia cứ đến ngày hội làng thì thanh niên trai tráng tập trung về thi đấu vật để thể hiện ý chí, tài năng, sức khỏe và tranh giải của làng.

Đi cùng ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, tôi đến thăm nhà cụ Đỗ Hữu Uy ở sâu trong làng. Nhà cụ là một kiến trúc thường thấy ở nhà cổ với ngói âm dương, hai trụ câu đối hai bên trước nhà, có 3 gian giữa cùng hai gian buồng hai đầu, sử dụng vật liệu hầu hết bằng gỗ và dùng bảy, kẻ để đỡ mái hiên. Mấy cái kèo và xà lớn có nhiều đường chạm khắc tinh tế. Trong nhà có rất nhiều hoành phi, câu đối. Những chiếc cột nhà bằng gỗ lim vẫn còn chắc chắn dẫu có lẽ đã hàng trăm năm tuổi. Cụ Uy kể: Cụ sinh năm 1933 nhưng cũng không biết cái nhà này được làm từ năm nào. Đến năm 2004 có đoàn làm phim Thời xa vắng về mượn nhà để làm bối cảnh quay phim thì mới nhờ người hiểu chữ Nho đọc giúp và được biết nhà làm năm Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định, tức năm 1918, còn các hoành phi, câu đối, có cái cổ nhất được xác định là năm Giáp Thìn, niên hiệu Thành Thái, tức năm 1904. 

Rời nhà cụ Uy, chúng tôi đến thăm Đình làng Thanh Cù-di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia. Đình được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 12, tức năm 1691 đời vua Lê Hy Tông. Kiến trúc đình là một điển hình cho kiến trúc của đình chùa Việt Nam với đường mái ngói cong cổ kính, uy nghiêm, không gian bên trong rộng rãi, thoáng mát mà tôn kính. Trước cửa đình có cái giếng cổ còn bậc thềm lên xuống và hành lang làm toàn bộ bằng đá phiến. Đình làng Gò thờ Đức Thánh Trần Linh Lang-một nhà sư, một vị tướng tài tham gia chống quân Mông Nguyên từ đời Trần. Ông quê tại Tây Hồ (Hà Nội) nhưng khi viên tịch lại được vua Trần Dụ Tông ban táng vĩnh hằng tại làng Gò. Chính vì thế cứ đến ngày giỗ của ông, người dân lấy làm ngày hội làng, đã là người con của thôn Thanh Cù thì dù ai công tác xa xôi, ai buôn bán ngược xuôi đều trở về. “Dẫu cùng quê hương đất nước phát triển đi lên với tư duy đổi mới, hiện đại, nhưng người dân làng Gò vẫn giữ được nhiều công trình cổ cùng với nét văn hóa cổ đáng trân trọng. Chúng tôi luôn nhận thức rõ giá trị và tầm quan trọng của việc bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hóa đó và coi đó là một trong những niềm tự hào của quê hương”, ông Đỗ Thành Công khẳng định.

Bài và ảnh: VŨ GIA TUYỂN

Nguồn: qdnd.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT