Non nước Việt Nam

Nét đẹp trang phục truyền thống nơi trường học, công sở ở Bình Liêu

Cập nhật: 13/05/2019 08:13:28
Số lần đọc: 1239
Đã từ lâu, mỗi khi nhắc đến huyện biên giới miền núi Bình Liêu, người ta đều nhắc đến sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.


Học sinh Trường Tiểu học Húc Động, xã Húc Động, thực hiện nghiêm túc việc mặc trang phục dân tộc đến trường theo quy định.

Từ nếp sinh hoạt, lao động đến dấu ấn trong trang phục truyền thống của bà con đều đã trở thành những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mảnh đất vùng biên viễn. Chính vì vậy, thời gian qua, Bình Liêu đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có gìn giữ trang phục dân tộc bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Trong một chuyến công tác cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường Tiểu học Húc Động, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Ngoài trường lớp khang trang, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh thì điều chúng tôi ấn tượng hơn cả chính là hình ảnh các em học sinh gọn gàng, xúng xính trong trang phục dân tộc ngay ngắn ngồi học. Với 100% học sinh của trường là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, các bạn nữ duyên dáng trong chiếc áo xanh, váy đen, các bạn nam đơn giản hơn trong chiếc áo đen và quần tối màu, khiến cho không gian trường học trở nên ấn tượng và sinh động. Việc mặc trang phục dân tộc chỉ yêu cầu thực hiện bắt buộc vào thứ 2, song là ngày thứ 6 nhưng trong các lớp học gần 90% học sinh đều mặc trang phục dân tộc, cho thấy việc mặc trang phục dân tộc đến trường không còn là quy định mà đã trở thành niềm yêu thích, tự hào của mỗi học sinh khi được khoác lên mình những nét đẹp của văn hóa truyền thống quê hương.

Em Trần Thị Hạnh, học sinh lớp 5A, chia sẻ: Em cảm thấy rất vui và tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để đến lớp. Trang phục truyền thống của chúng em rất duyên dáng và nổi bật không kém các trang phục hiện đại, đồng thời cũng khá thoải mái, phù hợp và thuận tiện cho việc học tập, vui chơi của chúng em. Vì vậy, khi nhà trường phát động, chúng em hưởng ứng ngay.

Tìm hiểu được biết, việc mặc trang phục dân tộc đến trường được ngành giáo dục huyện Bình Liêu triển khai trong nhiều năm qua. Đầu năm 2019, UBND huyện Bình Liêu đã ban hành công văn số 367/UBND-VHTT của UBND huyện về việc triển khai mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Từ đây, ngành giáo dục huyện tiếp tục đôn đốc các trường học trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc.

Ông Ngô Văn Mậu, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, đánh giá: Việc mặc trang phục dân tộc đã được ngành giáo dục huyện đi đầu triển khai gần 5 năm nay tại một số trường. Hiện nay, phong trào đã nhân rộng tại 100% các trường vào thứ hai hàng tuần và được học sinh chấp hành rất tốt. Riêng các trường nội trú, học sinh mặc nhiều ngày trong tuần chứ không riêng gì thứ hai. Trong quá trình triển khai, không chỉ học sinh mà phụ huynh, bà con dân bản cũng như giáo viên hết sức ủng hộ. Bên cạnh việc đẩy mạnh giữ gìn trang phục dân tộc, các trường học trên địa bàn huyện cũng lồng ghép đưa vào giảng dạy các làn điệu truyền thống như hát then - đàn tính, hát soóng cọ, các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đánh quay.... Qua đó, giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, bồi đắp niềm tự hào, lòng yêu nước.

Bên cạnh các trường học, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cũng triển khai thực hiện mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 đầu tuần và đồng phục công sở vào thứ 6. Đồng chí Hoàng Thị Nghị, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Với trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, song việc mặc trang phục dân tộc trên địa bàn huyện hiện đang có xu hướng mai một trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Vì vậy, tin tưởng và kỳ vọng, bằng cách triển khai mặc trang phục dân tộc trong trường học, công sở sẽ là bước đi đầu tiên không ngừng làm lan tỏa ý thức, hành động gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng.

Việc triển khai mặc trang phục dân tộc nơi trường học, công sở là một cách làm hay, thiết thực của Bình Liêu trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, ngày càng gắn kết cộng đồng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT